Bản tin quân sự 17/1: Mỹ mở rộng nâng cấp Patriot khi các lựa chọn phát triển hệ thống vũ khí phòng không mới quá đắt đỏ và không chắc chắn về hiệu quả.
Quốc hội Mỹ tăng gấp đôi nguồn tài chính phân bổ nâng cấp hệ thống Patriot; “Pháo đài bay” B-52 sẽ tiếp tục phục vụ nhiều thập niên tới… là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Quốc hội Mỹ tăng gấp đôi nguồn tài chính phân bổ nâng cấp hệ thống Patriot
Theo Tạp chí Army Recognition, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 505 triệu USD từ quỹ liên bang để mua và hiện đại hóa các hệ thống phòng không Patriot (SAM) và hệ thống phòng không cầm tay Stinger (MANPADS) trong năm tài chính 2025.
Quân đội Mỹ ban đầu yêu cầu cung cấp nguồn tài chính hiện đại hóa hệ thống phòng không với số tiền 250 triệu USD. Số tiền được phân bổ gấp đôi cho thấy tầm quan trọng chiến lược của các hệ thống này trong điều kiện hiện đại.
Mỹ sẽ nâng cấp Patriot để tích hợp cùng hệ thống THAAD và vũ khí phòng không chiến trường khác. Ảnh: Defense News |
Army Recognition dẫn thông tin từ Quân đội Mỹ đăng tải: “Các nguồn lực bổ sung sẽ nâng cao đáng kể khả năng của hệ thống Patriot và Stinger, đẩy nhanh việc mua lại và hiện đại hóa chúng để phù hợp với yêu cầu của chiến trường hiện đại”.
Vào tháng 10/2024, Thiếu tướng quân đội Mỹ Frank Lozano tuyên bố Lầu Năm Góc đã quyết định từ bỏ kế hoạch phát triển thế hệ tên lửa phòng không mới cho hệ thống Patriot. Do chi phí phát triển cao, quân đội dự định tập trung vào việc tích hợp Patriot với hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và nâng cấp đạn tên lửa PAC-3 MSE hiện có.
Patriot là sản phẩm từ thời Chiến tranh Lạnh do Tập đoàn Raytheon của Mỹ phát triển với mục tiêu tạo ra vũ khí phòng không đa dụng và là đối trọng với họ tên lửa phòng không S-300 của Liên Xô và Nga.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng (tầm bắn xa nhất từ 70 đến 160 km), có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay của mục tiêu lên đến 24 km.
Với sự lớn mạnh và mở rộng của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ hợp tên lửa Patriot đã nhanh chóng trở thành một trong những vũ khí phòng không phổ biến của khối quân sự này và các quốc gia đồng minh. Nó đã trải qua nhiều lần nâng cấp lớn với những biến thể phổ biến như PAC-2 và PAC-3, trong đó biến thể PAC-3 nổi tiếng với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của đối phương. Patriot hiện là một thành phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (BMD) của Mỹ.
Mỹ hiện đại hóa “pháo đài bay” B-52
Các động cơ F130 mới sẽ cung cấp năng lượng cho máy bay ném bom chiến lược B-52J nâng cấp của Không quân Hoa Kỳ đã được thử nghiệm. Theo The National Interest, quá trình nâng cấp hiện đã hoàn thành.
“Biến thể B-52 mới nhất của Không quân Mỹ vừa đạt được một cột mốc quan trọng khác. Động cơ F130 dành cho máy bay ném bom đã vượt qua bài kiểm tra thiết kế quan trọng”, ấn phẩm The National Interest viết.
Máy bay ném bom B-52J sẽ phục vụ Không quân Mỹ nhiều thập niên tới. Ảnh: Getty |
Động cơ phản lực mới sẽ là điểm khác biệt chính giữa B-52J và các phiên bản sửa đổi trước đó của máy bay. Chương trình hiện đại hóa máy bay B-52 đã chậm tiến độ khoảng 3 năm vì nhiều lý do khác nhau.
Ngoài động cơ mới, phiên bản B-52J sẽ nhận được radar nâng cấp và màn hình buồng lái tiên tiến. Người ta tin rằng máy bay này có thể trở thành vật mang tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm (HACM).
Vào tháng 10/2024, The National Interest đăng tải, vấn đề duy nhất với B-52J cập nhật là thời gian để nó được xuất xưởng và bắt đầu phục vụ. Các máy bay B-52J sẽ đi vào hoạt động không sớm hơn năm 2033.
Slovakia xem xét thay thế toàn bộ xe tăng cũ thời Liên Xô
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Slovakia Robert Kaliniak cho biết đang xem xét khả năng thay thế xe tăng do Liên Xô sản xuất bằng xe chiến đấu của Thụy Điển.
Trang tin quân sự Defense News đăng tải, một trong những phương án thay thế xe tăng T-72M1 có thể là xe chiến đấu bộ binh CV90120 do Hägglunds sản xuất. Ông Kalinyak tự tin rằng việc mua xe chiến đấu từ Thụy Điển sẽ rẻ hơn nhiều so với việc mua xe tăng Leopard-2 từ nhà sản xuất KNDS của Đức.
Vào tháng 2/2024, Defense News từng đăng tải, hãng chế tạo Leonardo có kế hoạch bổ sung thiết bị mới và nòng súng do chính họ sản xuất vào thiết kế xe tăng Leopard-2 của Đức do Quân đội Ý đặt mua.
Slovakia đang tính tới phương án loại bỏ xe tăng Liên Xô cũ và thay thế bằng xe chiến đấu bộ binh hiện đại. Ảnh: Getty |
Xe chiến đấu bộ binh CV90120 sẽ cạnh tranh với các phương tiện bánh xích khác đang được Bộ Quốc phòng Slovakia xem xét, bao gồm xe tăng Leopard-2A8 mới của nhà sản xuất KNDS của Đức hoặc các mẫu 2A4 sau đó sẽ được Slovakia hiện đại hóa.
Ông Kalinyak tuyên bố rằng mua CV90120 sẽ có giá thấp hơn đáng kể so với mua Leopard-2A8. Slovakia đã không mua xe tăng mới kể từ khi Tiệp Khắc sụp đổ năm 1993 và cần thay thế những chiếc T-72M1 cũ kỹ do Liên Xô chế tạo. Sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, Slovakia đã nhận được 15 xe tăng Leopard-2A4 từ Berlin để đổi lấy xe chiến đấu bộ binh BVP-1 do nước này cung cấp cho Kiev.
“CV90120 là một đề xuất thú vị vì nó sử dụng cùng nền tảng với CV90 mà Slovakia sẽ sử dụng nhưng trang bị vũ khí mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nó là một phương tiện hạng nhẹ, không giống như xe tăng Leopard hạng nặng với trọng lượng nặng gấp đôi”, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nagy cho biết và đánh giá việc lựa chọn xe chiến đấu bộ binh thay thế cho xe tăng là động thái sai lầm.
Nguồn: https://congthuong.vn/ban-tin-quan-su-171-my-mo-rong-nang-cap-patriot-370048.html