Phiên bản “tấn công trên biển” của Tomahawk, tên lửa thường được sử dụng làm vũ khí tấn công mặt đất, sẽ được đưa vào sử dụng từ sau ngày 1/10/2024, Bloomberg dẫn lời Đại úy Jon Hersey, phụ trách chương trình Tomahawk.
Chúng sẽ được triển khai trên các tàu ngầm lớp Los Angeles và Virginia, vốn có thể mang tới 12 tên lửa Tomahawk tấn công mặt đất. Một số phiên bản tàu ngầm lớp Virginia có thể mang tới 40 tên lửa phiên bản này.
Ông Hersey cho biết các mẫu Tomahawk mới nhất sẽ được trang bị hệ thống dẫn đường mới cho phép “tấn công mục tiêu di động trên biển”. Hải quân Mỹ nhận phiên bản đầu tiên vào năm ngoái để thử nghiệm, sau đó đã tuyên bố nó đã sẵn sàng chiến đấu.
Tên lửa Tomahawk của Mỹ đã xuất hiện lần đầu trên chiến trường vào những giờ đầu của Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991 ở Iraq.
Việc đưa vào sử dụng phiên bản mới của Tomahawk sẽ giúp Mỹ bổ sung năng lực vào kho tên lửa chống hạm ngày càng lớn, bên cạnh ngư lôi phóng từ tàu ngầm, nhằm chống lại đội tàu Trung Quốc có ưu thế vượt trội về số lượng.
Hải quân Mỹ cũng dự định trang bị các loại vũ khí nói trên cho tàu mặt nước, nhưng tàu mặt nước vẫn dễ bị tổn thương hơn trước kho vũ khí chống hạm trên đất liền và trên biển của Trung Quốc.
Lịch trình lắp Tomahawk cho tàu ngầm gần như khớp với kế hoạch của Lầu Năm Góc triển khai hàng nghìn phương tiện không người lái khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chương trình này, có tên gọi “Replicator”, dự kiến được triển khai trên quy mô lớn từ tháng 2 đến tháng 8/2025.
Trong bản đánh giá mới nhất về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc nói Hải quân Trung Quốc có 370 tàu mặt nước và tàu ngầm, trong đó có hơn 140 tàu chiến mặt nước cỡ lớn. Hải quân Mỹ có thể triển khai 291 tàu.
Hải quân Trung Quốc chủ yếu vận hành các tàu ngầm và tàu đa nhiệm hiện đại. Nước này đã hạ thủy tàu sân bay thứ 3 vào năm ngoái, có tên gọi CV-18 Phúc Kiến.