Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Nga tái triển khai thêm quân tới Kursk
Ông Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, quân đội Nga đã chuyển lực lượng từ các mặt trận khác nơi họ đang tiến hành các hoạt động tấn công tới Kursk.
“Chúng tôi biết có khoảng 50.000 quân từ các khu vực khác đã được tái triển khai tới mặt trận Kursk“, ông Syrskyi nói.
Tổng tư lệnh nhấn mạnh, những hành động này của Nga đã làm suy yếu lực lượng nước này ở các khu vực khác trên chiến trường Ukraine, đặc biệt là trên các mặt trận Zaporizhzhia, Kherson và Kramatorsk.
“Điều này giúp chúng tôi dễ dàng thực hiện các hoạt động phòng thủ hơn“, ông Syrskyi nhấn mạnh.
Mỹ không muốn viện trợ cho Ukraine
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Mike Johnson tuyên bố, ông không muốn viện trợ cho Ukraine nữa và đang trông chờ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống, bởi ông ấy là người có khả năng giải quyết cuộc xung đột.
Nga tái triển khai thêm quân tới Kursk. Ảnh: AP |
“Tôi không muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine nữa và hy vọng sẽ không phải làm thế nữa. Nếu Tổng thống Trump thắng cử, tôi tin ông ấy có thể chấm dứt xung đột. Tôi nghĩ ông Trump sẽ gọi điện cho Tổng thống Putin và nói ‘thế là đủ rồi’. Tôi nghĩ mọi người trên thế giới đều mệt mỏi với cuộc xung đột này, muốn nó được giải quyết“, ông Johnson nói.
Ông tin chắc, nếu ứng viên từ đảng Dân chủ Kamala Harris trở thành Tổng thống Mỹ thì cuộc xung đột sẽ không kết thúc. “Đó là kịch bản tuyệt vọng và nguy hiểm”, Chủ tịch Hạ viện nhận định.
Tuyên bố của phương Tây và Ukraine về đàm phán là vô nghĩa
Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cho biết, phương Tây và Ukraine đang nói về chủ đề tổ chức đàm phán hòa bình mà quên rằng không thể nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ vũ lực. Ngoài ra, chính Nga đã nhiều lần cố gắng giải quyết xung đột.
“Ukraine đã cố gắng khiêu khích Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để sau đó làm mất uy tín trong mắt cộng đồng thế giới. Bây giờ Ukraine đã thay đổi chiến thuật, họ đang đóng vai trò là người hòa giải và sẽ kêu gọi Nga đàm phán. Nếu Nga không tuân theo những kế hoạch này, sẽ bị cáo buộc là hung hăng”, ông Leonkov bình luận.
Theo ông, phương Tây sẽ tiếp tục chính sách làm mất uy tín đối với Nga, nhưng nước này nên tiếp tục hướng tới đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Đồng thời, chuyên gia quân sự cho biết thêm, Nga thờ ơ với quan điểm của ông Zelensky về cuộc xung đột Ukraine, bởi vì nếu các cuộc đàm phán diễn ra, chúng sẽ được tiến hành với các nước phương Tây, đặc biệt là với Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, cho đến nay chính quyền Tổng thống Biden chưa sẵn sàng làm điều đó.
Ukraine có thêm gói viện trợ quân sự
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo sẽ cùng ba nước châu Âu viện trợ quân sự thêm 1,5 tỷ USD cho Ukraine vào cuối năm nay.
“Với sự hỗ trợ của các đối tác Bỉ, Đan Mạch và Na Uy, đến cuối năm chúng tôi sẽ cung cấp một gói viện trợ khác trị giá 1,5 tỷ USD cho Ukraine“, Thủ tướng Scholz nói trong cuộc họp báo chung trước khi hội đàm với Tổng thống Zelensky tại Berlin.
Gói viện trợ mới sẽ bao gồm hệ thống phòng không IRIS-T, Skynex, Gepard cùng pháo, thiết giáp, UAV, radar và đạn dược.
“Đây là thông điệp rõ ràng gửi đến Tổng thống Putin: Việc kéo dài thời gian sẽ không có tác dụng. Chúng tôi sẽ không giảm hỗ trợ cho Ukraine“, ông Scholz nhấn mạnh.
Nguồn: https://congthuong.vn/chien-su-nga-ukraine-ngay-12102024-my-khong-muon-vien-tro-cho-ukraine-nga-tai-trien-khai-them-quan-toi-kursk-351883.html