TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken sẽ công du chính thức Trung Quốc trong 2 ngày 18 và 19-6. Như vậy, ông Blinken sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến Bắc Kinh kể từ năm 2018 và là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc cho đến nay.
Ngoại trưởng Blinken được cho khó tạo ra bước đột phá trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Ảnh: AP
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp giới chức cấp cao Trung Quốc nhằm thảo luận “tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc mở” để quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ – Trung. “Tôi tin rằng Ngoại trưởng Blinken sẽ mạnh mẽ ủng hộ rằng đường dây liên lạc này là cần thiết. Nó chính là cách cho thấy quân đội trưởng thành và mạnh mẽ tương tác. Việc tránh thiết lập những đường dây liên lạc quan trọng như vậy sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cao” – Kurt Campbell, Ðiều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương, nhấn mạnh.
Trước chuyến thăm Bắc Kinh, ông Blinken hôm 14-6 đã có cuộc điện đàm căng thẳng với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương, nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các cam kết ngoại giao để nêu bật các lĩnh vực 2 bên cùng quan tâm. Đáp lại, ông Tần Cương kêu gọi Mỹ cần tôn trọng các mối quan tâm của Trung Quốc, không can thiệp vào công việc nội bộ và ngừng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc dưới chiêu bài cạnh tranh. Ông bày tỏ hy vọng Washington sẽ cùng Bắc Kinh giải quyết bất đồng, thúc đẩy trao đổi và hợp tác, tránh nguy cơ mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi và đưa mối quan hệ này trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định. “Trung Quốc luôn xem và quản lý quan hệ Trung – Mỹ theo các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra” – ông Tần Cương nói.
Trước thông điệp mạnh mẽ của Trung Quốc, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Ðông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink trong cuộc họp báo hôm 14-6 cho biết: “Chúng tôi không đến Bắc Kinh với ý định tạo ra đột phá hoặc biến chuyển nào đó trong cách chúng ta đối xử với nhau… Chúng tôi đến Bắc Kinh với cách tiếp cận thực tế, tự tin và mong muốn chân thành về việc quản lý cạnh tranh giữa hai nước theo cách có trách nhiệm nhất có thể”.
Chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gồm các vấn đề về thương mại, gián điệp, sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cuộc chiến ở Ukraine và tương lai của Đài Loan. Chuyến thăm đã bị hoãn từ hồi tháng 2 do căng thẳng liên quan đến vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn hạ ở Mỹ.
Căng thẳng giữa 2 nước tiếp tục leo thang xung quanh vấn đề Đài Loan khi Tổng thống Biden hồi năm ngoái nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Bắc trong trường hợp bị Bắc Kinh tấn công. Còn hồi đầu tháng này, Hải quân Mỹ cáo buộc Hải quân Trung Quốc thực hiện các cuộc diễn tập “không an toàn” gần một tàu khu trục của Mỹ ở eo biển Đài Loan. Mặt khác, Mỹ cũng đã tìm cách củng cố quan hệ với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua “Tứ giác kim cương (QUAD)”, gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản, đồng thời ký thỏa thuận an ninh 3 bên với Anh và Úc (AUKUS) nhằm tìm cách trang bị cho Canberra tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân. Vì thế, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thường Phúc đã từ chối hội đàm song phương với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại hội nghị an ninh châu Á ở Singapore hồi đầu tháng 6.
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa 2 nước cũng trở nên gay gắt. Theo đó, chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số công nghệ tiên tiến quan trọng, gồm chất bán dẫn cũng như các công nghệ để sản xuất chất bán dẫn, khuyến khích các đồng minh làm điều tương tự, đồng thời tìm cách chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh thường xuyên cáo buộc Washington mang “tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Tuy nhiên, 2 nước trong những tháng gần đây đã đưa ra một số thỏa thuận nhằm kiểm soát căng thẳng, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác trong một số lĩnh vực, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi tháng rồi còn tổ chức cuộc họp kín với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Vienna (Áo), tập trung vào việc loại bỏ những trở ngại trong quan hệ Mỹ – Trung. Washington cũng được cho là vừa bí mật cử Giám đốc Cục Tình báo Trung ương William Burns đến Bắc Kinh nhằm tăng cường các cách thức liên lạc giữa hai nước. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Ðông Á và Thái Bình Dương Kritenbrink cũng vừa có chuyến thăm Bắc Kinh.