Cầu cảng này được Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 3, là một dự án khổng lồ với khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ tham gia thực hiện. Viện trợ bắt đầu được chuyển qua cầu cảng tới Gaza từ tháng 5, nhằm giúp ngăn chặn nạn đói sau nhiều tháng chiến tranh giữa Israel và Hamas.
Tuy nhiên, thời tiết xấu và các thách thức phân phối bên trong Gaza đã hạn chế hiệu quả của sứ mệnh này. Cầu cảng chỉ hoạt động trong khoảng 20 ngày.
“Chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh liên quan đến cầu cảng nổi. Không cần sử dụng cầu cảng nữa”, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Brad Cooper cho biết trong một cuộc họp báo.
Ông Cooper cho biết việc phân phối viện trợ tới Gaza qua đường biển sẽ chuyển sang cảng Ashdod đã được thiết lập ở Israel. Ít nhất 2,2 triệu kg hàng viện trợ đang ở Cyprus hoặc trên tàu sẽ được chuyển tới Ashdod trong những ngày tới.
Ông Cooper cho biết chi phí cho cầu cảng được đánh giá sẽ ít hơn mức 230 triệu USD mà Lầu Năm Góc dự kiến ban đầu. Cầu cảng nổi này dài 370 mét và đã phải di dời nhiều lần do thời tiết xấu. Nó đã không được sử dụng kể từ tháng 6.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cũng đã tạm dừng hoạt động tại cầu cảng vào tháng 6 do lo ngại an ninh, khiến viện trợ bị dồn ứ trên bờ biển Gaza.
Liên hợp quốc từ lâu đã cho rằng việc giao hàng qua đường biển không thể thay thế cho việc tiếp cận bằng đường bộ. Họ cho biết cần tăng cường viện trợ trên các tuyến đường bộ đến Dải Gaza, nơi đang đối mặt với nạn đói tăng cao.
Các quan chức viện trợ cho biết cần khoảng 600 xe tải viện trợ nhân đạo và thương mại mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân Gaza.
Cao Phong (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/my-ket-thuc-su-menh-cau-tau-vien-tro-o-gaza-post303914.html