Tờ Le Monde vừa có bài bình luận rằng, châu Âu đang chật vật trước chính sách đổi mới công nghiệp của Mỹ. Thực tế là, danh sách các tên tuổi lớn của châu Âu như Engie, BASF, BMW, Solvay, Siemens, Volkswagen…, công bố mở rộng dự án công nghiệp tại Mỹ đang tăng chóng mặt trong những tháng gần đây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lái thử chiếc xe điện Cadillac trong chuyến thăm Triển lãm ô tô Bắc Mỹ Detroit 2022. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ ồ ạt tái công nghiệp hóa
Hiện tại, nhờ năng lượng rẻ hơn và các chính sách trợ cấp, tín dụng thuế khổng lồ, Mỹ đang ghi nhận sự xuất hiện ào ạt của các nhà máy mới.
Trong khi đó, cho dù cũng rất nỗ lực bắt tay vào quá trình tái công nghiệp hóa, châu Âu đang cho thấy sự chậm chạp và thiếu liên kết hơn nhiều.
Động lực như đã biết, chính là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Joe Biden ký vào ngày 16/8/2022 – với khoản chi mạnh tay 370 tỷ USD trong hơn 10 năm để hỗ trợ công cuộc chuyển đổi năng lượng thông qua tín dụng thuế. Đây là sự bổ sung cho các gói hỗ trợ được thông qua năm 2021 liên quan đến cơ sở hạ tầng (1.200 tỷ USD), Đạo luật CHIPS và Khoa học (50 tỷ USD) năm 2023 nhằm đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn trở lại đất Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Maxime Darmet tại công ty bảo hiểm Allianz Trade, nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến sự hồi sinh công nghiệp thực sự ở Mỹ, trong khi giá năng lượng ở châu Âu tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực sản xuất”.
Trên thực tế, yếu tố năng lượng mang tính quyết định, các công ty ở Detroit hoặc New York trả chi phí năng lượng chỉ tương đương 1/3 hay 1/4 so với các đối thủ cạnh tranh ở Frankfurt hoặc Milan. Rõ ràng đây là một lợi thế so sánh rất đáng kể.
Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia Charles-Henri Colombier của Viện nghiên cứu Rexecode: “Điều này giải thích tại sao đầu tư xây dựng trong lĩnh vực sản xuất ở bên kia bờ Đại Tây Dương đã ghi nhận bước nhảy ngoạn mục, tăng từ 75 tỷ USD vào đầu năm 2021 lên 195 tỷ USD vào giữa năm 2023”.
Tờ Le Monde bình luận, cứ như thể người Mỹ đang xây dựng các nhà máy với mục đích “trả thù”, tìm mọi cách thu hút các nhà sản xuất nước ngoài đến lãnh thổ của họ.
Mùa Hè năm 2022, tập đoàn Panasonic của Nhật Bản tuyên bố đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin ở Kansas, trong khi tổ hợp công nghiệp Hàn Quốc SK công bố 22 tỷ USD cho nhiều khoản đầu tư khác nhau vào chất bán dẫn, pin điện và công nghệ sinh học.
Hồi tháng 3/2023, Volkswagen công bố xây dựng nhà máy sản xuất xe SUV chạy điện mới ở Nam Carolina trị giá 2 tỷ USD.
“Lục địa già” vẫn chậm chân
Trong khi đó, phản ứng của “lục địa già” lại rất chậm và trên hết là thiếu liên kết. Tháng 5/2023, Pháp đã khánh thành “siêu nhà máy” pin điện đầu tiên tại Pas-de-Calais. Đó là dự án của công ty Automotive Cells, một liên doanh của Stellantis, TotalEnergies và Mercedes. Một số nhà máy khác được xây dựng ở Đức, Thụy Điển và Ba Lan, và có khoảng 50 nhà máy mới đang hoạt động ở châu Âu.
“Nhưng đây là những dự án quốc gia, các quốc gia cạnh tranh nhau để thu hút đầu tư và Liên minh châu Âu (EU) đã nới lỏng các quy định trợ cấp nhà nước để cho phép điều này. Nhưng rốt cuộc, EU vẫn không đưa ra được một lộ trình rõ ràng và mạnh mẽ như IRA”, một nghị sĩ châu Âu nhận định.
Đó không chỉ là vấn đề tài chính. Nhà kinh tế học Patrick Artus tại ngân hàng Natixis, nhấn mạnh: “Số tiền của IRA và kế hoạch Thỏa thuận Xanh châu Âu trên thực tế có thể so sánh được, nhưng đạo luật của Mỹ dựa trên các khoản tín dụng thuế, trong khi kế hoạch của châu Âu về cơ bản dựa trên các quy định và trợ cấp. Tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp đang tăng lên ở Mỹ, trong khi lại giảm ở Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone). Điều này cho thấy cách tiếp cận của Mỹ hiệu quả hơn trong việc khuyến khích các doanh nghiệp rót vốn đầu tư”.
Thêm vào đó là những nghi ngờ hiện hữu mà Đức – một trụ cột sản xuất của châu Âu, đang phải trải qua. Được xây dựng dựa trên năng lượng giá rẻ nhập khẩu từ Nga, phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Trung Quốc, kinh tế quốc gia này hiện đang suy yếu, mô hình công nghiệp của Đức đang gặp vấn đề lớn. Tập trung vào ô tô sử dụng động cơ đốt trong, Đức đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển hướng sang ô tô điện.
Đó là chưa kể tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh, làm suy yếu khả năng đổi mới và phát triển của nền kinh tế.
Trong khi Đức chưa thể điều chỉnh chiến lược tăng trưởng thì Đông Âu – nơi nước này đã triển khai nhiều nhà máy mới, cũng đang phải chật vật trong việc tái tạo lại chính mình. “Như thế vẫn chưa đủ, châu Âu còn không thể đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu thô chiến lược và chất bán dẫn”, chuyên gia Charles-Henri Colombier đánh giá.
Thực tế, “Tái công nghiệp hóa châu Âu” là ý tưởng xuyên suốt được các nhà lãnh đạo lục địa này nhắc tới hậu đại dịch Covid-19 và sau khi nổ ra cuộc xung đột tại kraine. Nhưng hiện tại các ngành sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ lạm phát, thắt chặt tiền tệ đến nhu cầu bên ngoài yếu và sự bất ổn chung.
Ngân hàng Thương mại Hamburg nhận định, từ đầu năm 2023, nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất đang ngày càng suy giảm, dẫn đến Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Eurozone giảm theo. Lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020 PMI đã nằm dưới điểm hòa vốn, mặc dù các nhà máy đang liên tục giảm giá.
Trong vài tháng tới, do tình trạng thiếu hụt đơn đặt hàng mới từ trong và ngoài nước, sản lượng đầu ra của các nhà máy sẽ tiếp tục “đi xuống”. Ngân hàng Thương mại Hamburg cũng lưu ý sự suy giảm đang diễn ra trên diện rộng, trải dài ở cả 4 nền kinh tế lớn nhất của Eurozone là Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.
Chiến lược tái công nghiệp được hiểu là tự chủ chiến lược trong các ngành công nghiệp mũi nhọn. Đây còn được cho là một nỗ lực của EU trong việc củng cố đoàn kết nội khối. Ý tưởng thành lập chiến lược này do Đức và Pháp khởi xướng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch “Tái công nghiệp hóa” của nước này nếu không muốn bị lệ thuộc hay trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước lớn khác. Bên cạnh đó, Pháp cũng quyết tâm cải thiện tỷ trọng ngành công nghiệp vốn chỉ còn chiếm 10% trong tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu.
Châu Âu vốn được biết đến là nơi khởi nguồn của các cuộc cách mạng công nghiệp. Xây dựng một chiến lược tái công nghiệp hóa châu Âu không phải là ý tưởng, mà là rất cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, hiện không chỉ chịu “thua thiệt” bởi tác động từ Đạo luận tốn kém của Mỹ, mà trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn như hiện nay, để đi đến một chiến lược thành công, châu Âu chắc sẽ cần nhiều thời gian.