Ngày 24/8, Mỹ đã hạ thấp tầm quan trọng của việc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi kết nạp 6 thành viên mới.
Lãnh đạo các nước thành viên nhóm BRICS (từ trái sang): Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi). (Nguồn: brics2023.gov.za) |
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Washington nhắc lại rằng, các quốc gia có thể lựa chọn đối tác và nhóm mà họ sẽ liên kết. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác và đồng minh tại các diễn đàn song phương, khu vực và đa phương để tăng cường thịnh vượng chung và duy trì hòa bình, an ninh toàn cầu”.
* Cùng ngày, Tổng thống Argentina Alberto Fernández khẳng định, việc BRICS kết nạp thêm thành viên sẽ giúp tạo ra động lực mới cho tiếng nói của khu vực Nam bán cầu trong bối cảnh quốc tế bất ổn hiện nay.
Tổng thống Fernández bày tỏ niềm vinh dự sau khi Argentina được mời gia nhập khối.
Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này cho rằng, việc BRICS kết nạp thêm thành viên thể hiện sự nổi lên của xu thế đa cực trong một thế giới bất ổn và bất bình đẳng, trong đó các thỏa thuận đơn phương sẽ hạn chế khả năng phát triển của các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, khối 5 thành viên đóng vai trò quan trọng đặc biệt giúp thúc đẩy đàm phán và phối hợp đa phương, hướng tới một cấu trúc phát triển bền vững mang lại lợi ích cho các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực Nam bán cầu.
* Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh, BRICS đóng vai trò độc lập và hiệu quả, đồng thời có tinh thần thiện chí trên toàn cầu. Đó là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy Iran theo đuổi chủ nghĩa đa phương này.
Theo Ngoại trưởng Amir-Abdollahian, các quốc gia thuộc BRICS – là nơi sinh sống của hơn 3 tỷ người, tương đương 40% dân số thế giới và có tổng diện tích bằng 1/3 diện tích Trái Đất. Những quốc gia trong khối có mối quan hệ hợp tác quan trọng với Iran.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran cũng liệt kê những năng lực của Tehran có thể giúp ích cho các thành viên BRICS đó là vị trí địa chính trị và địa chiến lược, nguồn năng lượng phong phú, lực lượng lao động có tay nghề, chuyên môn và hiệu quả, những tiến bộ đáng chú ý trong các lĩnh vực khác nhau và sự ổn định chính trị.
* Về phía Ấn Độ, sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Thủ tướng Narendra Modi cho hay, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, khối đã quyết định kết nạp thêm thành viên và nước này hoàn toàn ủng hộ động thái này.
Ông Modi khẳng định: “Việc có thêm các thành viên mới sẽ giúp BRICS trở nên lớn mạnh và hoạt động hiệu quả hơn”.
* Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, tất cả những nước tham gia BRICS đã nhất trí rằng, tên của nhóm này sẽ không thay đổi sau khi nhiều quốc gia mới gia nhập, vì điều này sẽ thể hiện tính liên tục.
Ông nêu rõ: “Mọi người đều nhấn mạnh rằng, tên gọi này không nên thay đổi, nó đã trở thành thương hiệu. Không ai trong số những nước mới tham gia BRICS đưa ra đề nghị khác”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg (diễn ra từ ngày 22-24/8), Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo khối này đã quyết định mời 6 quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và UAE gia nhập. Các nước này sẽ chính thức trở thành viên của khối từ ngày 1/1/2024.