Đồng minh phản đối kế hoạch của Mỹ
Ba quan chức Mỹ hôm 6.7 nói với Reuters rằng một gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ cho Ukraine, bao gồm bom chùm dự kiến được công bố sớm nhất là vào ngày 7.7. Họ cũng cho biết việc này đã được xem xét nghiêm túc trong ít nhất một tuần.
Theo các nguồn tin của báo The New York Times, một số quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, đã khuyến nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện động thái này trong cuộc họp của các quan chức an ninh quốc gia vào tuần trước, dù chính họ cũng cảm thấy e dè.
Bom chùm mà Mỹ chuẩn bị gửi được cho là bắn từ lựu pháo 155mm, thường giải phóng một số lượng lớn các quả “bom nhỏ” bên trong, có thể giết chết người một cách vô tội vạ trên một khu vực rộng lớn, đe dọa tính mạng dân thường. Những quả bom nhỏ không phát nổ gây nguy hiểm trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.
Năm 2008, hơn 100 quốc gia đã ký vào một điều ước quốc tế cấm sử dụng, tàng trữ hoặc chuyển giao bom chùm, bao gồm hầu hết các đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, Đức và Pháp. Trong khi đó, Mỹ, Nga và Ukraine chưa ký kết vì cho rằng có những tình huống loại vũ khí này phải được sử dụng.
Các quan chức hàng đầu của Đức ngày 7.7 đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Mỹ. “Tôi đã đọc các tường thuật trên truyền thông. Đối với chúng tôi, với tư cách một quốc gia thành viên, thỏa thuận Oslo sẽ được áp dụng”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại Vienna (Áo), đề cập đến Công ước về Bom chùm (CCM). Công ước này được ký kết tại Oslo, thủ đô Na Uy, vào tháng 12.2008 và có hiệu lực từ tháng 8.2010.
“Đức đã ký công ước, vì vậy đó không phải là lựa chọn của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius bình luận tại Bern (Thụy Sĩ) cùng ngày, đề cập đến CCM.
Nga không lập tức bình luận về kế hoạch của Mỹ. Song vào cuối tháng 3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã cảnh báo Mỹ về việc gửi bom chùm cho Ukraine, cho rằng động thái này có thể khiến chiến sự leo thang, theo Đài RT.
Czech tăng cường ủng hộ Ukraine
Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala ngày 7.7 cho biết nước này sẽ gửi trực thăng chiến đấu tới Ukraine và huấn luyện các phi công của lực lượng Kyiv điều khiển tiêm kích F-16 tối tân do Mỹ sản xuất.
“Cộng hòa Czech sẽ cung cấp thêm máy bay trực thăng chiến đấu và hàng trăm nghìn đơn vị đạn dược cỡ lớn… Chúng tôi cũng sẽ giúp đào tạo các phi công (Ukraine), bao gồm phi công lái máy bay F-16, và cung cấp các thiết bị mô phỏng chuyến bay để việc đào tạo có thể diễn ra ở Ukraine”, ông Fiala nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Prague, theo AFP.
Theo Thủ tướng Fiala, Cộng hòa Czech sẽ ủng hộ nỗ lực của Ukraine trong việc gia nhập EU cũng như NATO. “Tôi tin rằng tương lai của Ukraine là ở EU, tương lai của Ukraine là ở NATO, và điều này sẽ đảm bảo rằng tình huống như chúng ta đang trải qua ở châu Âu sẽ không xảy ra nữa. Cộng hòa Czech sẵn sàng hỗ trợ tối đa”, ông Fiala nói trong cuộc họp báo chung, theo Reuters.
Ông Zelensky đang có chuyến công du tới các nước thành viên NATO ở châu Âu, bắt đầu hôm 6.7 tại Bulgaria, một nhà sản xuất vũ khí lớn. Sau đó, ông đến Prague để gặp Thủ tướng Fiala cũng như Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel, một cựu tướng NATO. Tại Prague, ông tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ vũ khí tầm xa, đồng thời cho rằng việc này chỉ còn phụ thuộc vào Mỹ.
“Không có vũ khí tầm xa, thật khó để vừa tấn công vừa phòng thủ… Trước hết, chúng tôi muốn nói về các hệ thống tầm xa với Mỹ và hiện nay việc này chỉ phụ thuộc vào họ”, ông Zelensky bình luận trong cuộc họp báo ở Prague.
Sau Prague, ông Zelensky đã sang Slovakia trong ngày 7.7. Tổng thống Ukraine dự kiến sau đó sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ và hội đàm với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan. Điện Kremlin cùng ngày cho biết Nga đang theo dõi sát sao cuộc gặp này, theo hãng tin RIA Novosti.
Điện Kremlin cũng không loại trừ khả năng ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau trong tương lai gần.
Theo RIA, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên nhấn mạnh rằng ông Erdogan là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất duy trì liên lạc thường xuyên với cả ông Putin và ông Zelensky. Các cuộc trao đổi không chỉ liên quan đến thỏa thuận ngũ cốc biển Đen mà cả việc trao đổi tù binh giữa các bên.
Ukraine tuyên bố tiến lên ở Bakhmut
Lực lượng Ukraine đã tiến thêm hơn 1 km ở thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông, theo ông Serhiy Cherevatyi, một phát ngôn viên của quân đội nước này.
“Các lực lượng phòng vệ tiếp tục giữ thế chủ động ở đó, gây áp lực lên kẻ thù, tiến hành các hoạt động tấn công, tiến công dọc theo sườn phía bắc và phía nam… Cụ thể, trong vòng một ngày qua, họ đã tiến được hơn 1 km”, Reuters dẫn lời ông Cherevatyi nói trên truyền hình Ukraine hôm 7.7 về tình hình ở Bakhmut.
Tướng Oleksander Syrskyi, tư lệnh lục quân Ukraine, cũng cho biết quân đội nước này đang tiến công về hướng Bakhmut. “Các lực lượng phòng thủ đang tiến lên”, ông nói, đồng thời cho biết họ đã giành lại một số lãnh thổ nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Một người phát ngôn khác của quân đội Ukraine cho biết lực lượng Ukraine đã giành được “thắng lợi cục bộ” gần làng Klishchiivka, phía tây nam Bakhmut. Nga vẫn kiểm soát Bakhmut nhưng cả hai bên đều cho biết giao tranh tại khu vực đang diễn ra ác liệt, và lực lượng Ukraine hy vọng sẽ có thể bao vây thành phố.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 7.7 tuyên bố lực lượng của họ trong ngày qua đã đẩy lùi 10 cuộc tấn công của Ukraine theo hướng Donetsk, khiến hơn 420 quân nhân Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương.