Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.216 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 11,4 tỷ USD. Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Tỷ USD vào doanh nghiệp bất động sản, du lịch
Warburg Pincus không còn là cái tên xa lạ với giới đầu tư Việt Nam. Đây chính là quỹ đầu tư của Mỹ mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5/2022.
Warburg Pincus được biết đến là quỹ chuyên thực hiện những thương vụ đầu tư vài trăm triệu USD mỗi lần. Tổng mức đầu tư giá trị hàng tỷ USD vào loạt doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam.
Đây là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất trên toàn cầu, có trụ sở chính tại New York. Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ ba ở châu Á của Warburg Pincus, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Hồi tháng 6/2022, nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu đã hoàn tất thương vụ trị giá 250 triệu USD vào Novaland. Khoản đầu tư này khẳng định chiến lược đầu tư dài hạn của Warburg Pincus tại Việt Nam ở vị thế là quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất với hơn 1,5 tỷ USD đã giải ngân và nối dài danh mục những doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam mà Warburg Pincus đã và đang đồng hành.
Đây là khoản tiền không nhỏ giúp Novaland mở rộng quỹ đất chiến lược và hoàn thành việc phát triển các dự án trọng điểm đang triển khai.
Giao dịch với Novaland đánh dấu khoản đầu tư thứ 6 vào Việt Nam của Warburg Pincus.
Thương vụ lớn đầu tiên của Warburg Pincus tại Việt Nam diễn ra vào năm 2013 khi tập đoàn này rót 200 triệu USD để mua 20% cổ phần Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Sau đó, Warburg Pincus cũng đã rót 300 triệu USD với VinaCapital vào năm 2016. Warburg Pincus và VinaCapital đã đạt được thỏa thuận thành lập một liên doanh chuyên về đầu tư và quản lý khách sạn tại Việt Nam cũng như sẽ dần mở rộng ra cả khu vực Đông Nam Á.
Liên doanh này sau đó đã có các khoản đầu tư, trong đó có thương vụ mua 100% cổ phần của công ty quản lý khách sạn Serenity Holding, doanh nghiệp quản lý các thương hiệu Fusion Resorts, Fusion Suites, Alma Resorts, À La Carte Living.
Liên doanh này cũng đã mua 50% cổ phần của khách sạn Metropole Hà Nội và 100% vốn Ho Tram Project Company – đơn vị sở hữu dự án The Grand Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu. Đồng thời, liên doanh với Becamex IDC phát triển bất động sản công nghiệp với số vốn cũng lên tới cả trăm triệu USD.
Hồi giữa năm 2020, nhóm nhà đầu tư nước ngoài do Công ty quản lý quỹ đầu tư KKR của Mỹ và Temasek của Singapore đã chi 15.100 tỷ đồng (tương đương 650 triệu USD) để mua thỏa thuận hơn 200 triệu cổ phiếu (6% vốn điều lệ) của Vinhomes – đơn vị quản lý mảng bất động sản của Tập đoàn Vingroup. Sau giao dịch, nhóm này trở thành cổ đông lớn của Vinhomes.
Đầu năm 2018, Warburg Pincus công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi tập đoàn này vào Ngân hàng Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh.
Sau đó, quỹ tiếp tục đầu tư vào MoMo, nền tảng công nghệ tài chính thông qua hai vòng gọi vốn Series C và Series D, số vốn đầu tư không được công khai. Gần đây MoMo khẳng định giá trị vượt mức 2 tỷ USD, trở thành một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam.
Trong lần bơm vốn vào Novaland, ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành – Trưởng Bộ phận Bất động sản Khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Warburg Pincus cho biết, Warburg Pincus tin tưởng mạnh mẽ vào quỹ đạo tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và tiếp tục tích cực theo đuổi các cơ hội mới để đầu tư vào các nền tảng hàng đầu tại Việt Nam.
Với thương vụ đầu tư vào Techcombank, đại diện Warburg Pincus cũng đặt kỳ vọng vào tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là một trong những nước có thị trường ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Warburg Pincus kỳ vọng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ trở thành những tập đoàn hàng đầu trong khu vực.
Rót vốn vào công nghệ và bán lẻ
Công ty quản lý quỹ đầu tư KKR của Mỹ cũng từng hiện diện rất sớm ở Việt Nam. Đây là một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới với tổng giá trị tài sản quản lý lên đến 370 tỷ USD.
KKR trở thành cổ đông lớn của Masan Consumer – một công ty con của Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – từ năm 2011 với giá trị đầu tư ban đầu 159 triệu USD. Năm 2013, KKR tiếp tục rót thêm 200 triệu USD nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,04%. Đến năm 2017, quỹ này rót tiếp 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science (hiện đã đổi tên thành Masan MEATLife).
Hồi giữa năm 2021, theo tờ DealStreetAsia, Tập đoàn KKR rót khoảng 100 triệu USD vào Tổ chức Giáo dục EQuest của Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghệ, Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình hồi năm 2017 đã có thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (Synnex) – tập đoàn lớn thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử có trụ sở tại California, Mỹ.
Vào giữa năm 2015, ông lớn Mondelēz International của Mỹ đã chi gần 8.000 tỷ đồng để mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô (KDC). Mondelēz International được biết đến tập đoàn thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới với doanh thu năm 2015 đạt gần 30 tỷ USD, có hơn 107.000 nhân viên trên toàn cầu.
Về đầu tư trực tiếp FDI, trong vài năm gần đây, vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng lên. Trong năm 2022, Mỹ đầu tư vào Việt Nam khoảng 748 triệu USD, với 91 dự án cấp mới. Lũy kế tới nay vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD. Mỹ hiện xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Hồi cuối tháng 3/2023, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn chưa từng có đã đến Việt Nam.
Tổng cộng có đại diện 52 công ty, tập đoàn Mỹ, trong đó có các hãng quốc phòng, dược phẩm, công nghệ… có mặt tại Việt Nam (như Boeing, Bell, UPS, Coca Cola…) để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hằng năm do USABC tổ chức. Sự kiện diễn ra trùng với dịp Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện.
Nhiều tập đoàn quen thuộc đang hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng như Apple, Coca-Cola và PepsiCo, Netflix… SpaceX cũng đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Các hãng Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, Công ty Tài chính Visa, Ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Gần đây, một số doanh nghiệp Mỹ cũng quan tâm tới thị trường năng lượng của Việt Nam. Tháng 3/2023, đại diện tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ AES cho biết, năng lượng tiếp tục là một lĩnh vực chiến lược quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Tiến bộ trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và các công ty thành viên khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Trước đó, vào cuối năm 2020, một tập đoàn Mỹ – GE có đề xuất với tỉnh Lạng Sơn đồng ý cho phép nghiên cứu khảo sát dự án Nhà máy Điện gió Chi Lăng tổng công suất dự kiến 165 MW và dự án Nhà máy Điện gió Ái Quốc tổng công suất dự kiến 253 MW với tổng đầu tư hơn 710 triệu USD.
Đánh giá về quan hệ kinh tế Việt – Mỹ trong thời gian tới, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm chính thức Việt Nam vào ngày 10/9 tới theo lời mời của Tổng Bí Thư Nguyễn Nguyễn Phú Trọng là một tín hiệu rất tích cực và có thể sẽ là bước đệm tốt cho nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm tiếp theo. “Trước đó, việc ký đối tác toàn diện với Mỹ khi Tổng thống Barack Obama sang thăm chính thức Việt Nam đã mở ra cơ hội lớn sau đó. Với nhiều yếu tố cộng với tác động của hiệp định này, nền kinh tế Việt Nam tăng tốc và đạt rất nhiều thành công trong 10 năm qua”, ông Vicente Nguyen nhớ lại. |