Sau vụ căn cứ tại Jordan bị tập kích khiến 3 quân nhân Mỹ thiệt mạng hồi đầu tuần, quân đội nước này đã tiến hành các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở cả Syria và Iraq. Động thái răn đe khu vực của Mỹ rõ ràng không chỉ gửi đi một thông điệp cứng rắn tới các nhóm lực lượng tại Trung Đông mà còn nhắm thẳng vào Iran.
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết quân đội nước này đã tấn công vào hơn 85 mục tiêu. Ngoài ra, điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuyên bố chiến dịch đáp trả sẽ chưa dừng lại ở đây.
“Những cơ sở bị tấn công bao gồm các trung tâm hoạt động chỉ huy, tình báo, tên lửa, trang thiết bị chiến đấu cũng như các chuỗi cung ứng hậu cần. Chúng đều do Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các bên liên quan đứng ra tài trợ nhằm chống lại Mỹ và các đồng minh”, CENTCOM cho hay.
Tại Iraq và Syria, các nhóm được Iran hậu thuẫn đã tấn công lực lượng Mỹ hơn 150 lần kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, song hầu hết không gây thương vong.
Trong một diễn biến khác, quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở Li Băng vẫn xung đột liên miên. Lực lượng Houthi ở Yemen cũng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Israel và đe dọa hoạt động vận chuyển hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ, làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Theo lập luận của Mỹ, Iran đang tìm cách đối phó với sự hiện diện của họ ở Trung Đông và cố gắng đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực.
Phía Mỹ cho biết, các cuộc tấn công đáp trả của họ là một phần trong nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc tấn công của Iran và răn đe những hành động tương tự có thể xảy ra trong tương lai, đồng thời trấn an người Mỹ rằng an ninh của họ sẽ được đảm bảo. Mặt khác, Nhà Trắng muốn tránh leo thang khu vực có thể châm ngòi một cuộc xung đột tổng lực ở Trung Đông.
Tại Iraq, Mỹ đã loại bỏ nhiều thủ lĩnh lực lượng đối lập, đồng thời ném bom các mục tiêu bao gồm UAV và một trung tâm điều khiển mặt đất. Dù vậy, đến nay, Washington vẫn tránh tấn công mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran.
Tuy nhiên, rất khó để ngăn chặn Iran chỉ bằng cách chạy theo các lực lượng ủy nhiệm của nước này. Dù trên thực tế, Iran có khả năng kiểm soát nhiều lực lượng ủy nhiệm, song họ sẽ không phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu các nhóm vũ trang tổ chức bất kỳ cuộc tấn công nào.
Ví dụ, một số quan chức Iran được cho là có mặt trong hội đồng lãnh đạo của nhóm Kataib Hezbollah và lực lượng này đã cân nhắc thái độ của Iran về lệnh ngừng bắn trong quá khứ. Lực lượng Houthi ít chịu sự ảnh hưởng về mặt tư tưởng của Iran hơn, nhưng quốc gia này lại trang bị vũ khí, huấn luyện và tài trợ cho họ, mang lại cho Tehran ảnh hưởng đáng kể. Do đó, Iran có thể chiến đấu mà không phải mạo hiểm với lực lượng của mình.
Các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn cũng được củng cố niềm tin chính trị và đức tin vững chắc, nâng cao uy tín của họ trong cộng đồng Hồi giáo. Đối với Iran, việc ủng hộ các nhóm này là một cách để họ thể hiện thái độ sẵn sàng bảo vệ người Hồi giáo khỏi những chiến dịch chống lại người Palestine do Mỹ và Israel tiến hành.
Việc nhắm mục tiêu trực tiếp vào Iran có nguy cơ gây ra phản ứng mạnh mẽ, châm ngòi cho chuỗi xung đột bùng nổ không thể vãn hồi. Tehran chắc chắn đã nhiều lần cảnh báo trước rằng họ sẽ đáp trả nếu người Mỹ tấn công, chưa tính đến những lực lượng được họ hậu thuẫn ở khắp Trung Đông.
Tuy nhiên, Iran cũng không có ý định lao vào một cuộc chiến trực diện với Mỹ, nơi họ hiểu rõ họ không có cơ hội chiến thắng.
Ngay cả khi các cuộc xung đột vẫn diễn ra dày đặc, hai bên vẫn phải đề phòng sự leo thang. Iran tuyên bố họ không liên quan tới cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Jordan. Về phần mình, Mỹ đã “đánh tiếng” nhiều ngày trước các cuộc tấn công, cho phép Iran và lãnh đạo các nhóm chủ chốt tái bố trí nhân sự, tìm nơi trú ẩn và hạn chế thương vong.