Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) vừa thông tin về việc hoàn trả cổ vật bị buôn bán trái phép vào Mỹ.
Theo đó, sau chuyến hồi hương của 10 cổ vật bị buôn bán trái phép, tháng 3/2023, Cục Di sản Văn hóa tiếp tục nhận được đề nghị của Cơ quan Điều tra an ninh nội địa Mỹ (HIS), thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS), xác định nguồn gốc của một số cổ vật có khả năng từ Việt Nam bị buôn bán trái phép vào Mỹ.
Các cổ vật gồm: Dao găm đồng, cán hình người, văn hóa Đông Sơn, Việt Nam, chất liệu: đồng, dài 23cm, niên đại cách ngày nay từ 2.500 đến 2.000 năm; Carved Crystal – Seal (Trang sức đá thạch anh, khắc chìm hình thần Shiva), số hiện vật: 13108.1, thuộc văn hóa Champa, Việt Nam, chất liệu: thạch anh, niên đại Thế kỷ III-V; Tượng Guanyin (tượng Quan Âm), số hiện vật: L39143, Việt Nam, chất liệu: gỗ sơn thếp vàng, niên đại Thế kỷ XVIII-XIX; Tomb Sculpture (Nhạc công Ginang đánh trống), số hiện vật: L39142, thuộc văn hóa Champa, Việt Nam, chất liệu: đá, niên đại Thế kỷ XIX (Hiện vật này có khả năng giả cổ).
Theo Cục Di sản văn hoá, hiện nay, việc này đang được Cơ quan Điều tra an ninh nội địa Hoa Kỳ khẩn trương hoàn tất thủ tục và tiến hành các bước hoàn trả về cho Việt Nam.
Việt Nam chính thức gia nhập Công ước UNESCO 1970 về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa năm 2005 với quan điểm nhận diện rõ di sản văn hóa Việt Nam và xây dựng các chính sách pháp lý, biện pháp ngăn chặn buôn bán trái phép cổ vật, tài sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam cũng nỗ lực trong các quan hệ ngoại giao để cùng các nước nhận diện di sản văn hóa Việt Nam đã bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp trong quá khứ để tìm cách đưa các di sản văn hóa này về với vị trí nguyên gốc của di sản.
Điều 45 Luật Di sản văn hóa quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tịch thu được do tìm kiếm, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép để Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định việc giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đó cho cơ quan có chức năng thích hợp.”.
Do đó, việc Bộ VHTTDL tiếp nhận cổ vật được xác định là có nguồn gốc từ Việt Nam do cơ quan chức năng Hoa Kỳ thu giữ trong một cuộc điều tra hình sự là đúng quy định.
Đến nay, với sự hỗ trợ của một số nước, nhiều cổ vật đã được đưa về Việt Nam. Năm 2018, 18 cổ vật Việt Nam, do Cơ quan phòng chống tội phạm Công an Berlin (Đức) thu giữ từ một vụ buôn bán trái phép, đã được trao trả cho Việt Nam.
Năm 2015, 2021, một số cổ vật của Huế cũng được Chính phủ và một số nhà hảo tâm nước ngoài đấu giá thành công và đưa về Việt Nam.
Đầu năm 2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng đã trao đổi với Cục Di sản văn hóa về khả năng hồi hương một số cổ vật do cơ quan chức năng Hoa Kỳ thu giữ từ một vụ điều tra buôn bán trái phép tại Hoa Kỳ.
Cục Di sản Văn hoá cho biết, Mỹ và Việt Nam đã có hai cuộc trao đổi trưng bày cổ vật rất thành công, bao gồm: Nghệ thuật cổ Việt Nam – Từ Châu thổ ra Biển lớn, trưng bày tại Bảo tàng Hội châu Á, New York, Hoa Kỳ, năm 2009; Đông Nam Á sớm: Nghệ thuật điêu khắc Hindu và Phật giáo từ thế kỷ V đến thế kỷ IX Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Hoa Kỳ năm 2014.
“Cục Di sản văn hóa, cơ quan chức năng được giao quản lý về di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia rất mong phía Mỹ tiếp tục phối hợp, nhận diện các di sản văn hóa Việt Nam buôn bán trái phép tại Hoa Kỳ và trao trả cho Việt Nam.
Đồng thời, mong phía Hoa Kỳ luôn phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nhân lực trong công tác nhận diện, số hóa di sản văn hóa làm cơ sở cho việc nhận biết kịp thời các di sản văn hóa Việt Nam có nguy cơ bị buôn bán trái phép…”, theo Cục Di sản Văn hoá.
Lê Chi