Mỹ có một lịch sử lâu dài trong ý định mua lại hòn đảo Greenland và từng đưa ra đề nghị trị giá 100 triệu USD.
Trong nhiệm kỳ 2 của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bày tỏ ý định mua lại hòn đảo tự trị Greenland từ Đan Mạch, thậm chí có phần cương quyết hơn nhiệm kỳ đầu khi nhấn mạnh không loại trừ khả năng dùng quân sự để kiểm soát hòn đảo.
Song, ông Trump không phải quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ bày tỏ mong muốn đất nước có thể kiểm soát Greenland. Trong hơn 150 năm qua, Mỹ đã nhiều lần quan tâm đến Greenland và đã có lần chính thức gửi đề nghị mua lại hòn đảo, theo History.
Để mắt đến Greenland
Vào năm 1868, cố Ngoại trưởng Mỹ William Seward được giao nhiệm vụ tìm kiếm và mua thêm lãnh thổ cho Mỹ, sau thương vụ mua Alaska từ phía Nga với giá 7,2 triệu USD trước đó một năm.
Theo ông Ron Doel, một nhà sử học tại Đại học bang Florida (Mỹ), mối quan tâm lâu dài của Mỹ đối với Greenland và các vùng lãnh thổ phía bắc khác, bao gồm Canada, là vấn đề mở rộng quyền kiểm soát của Washington tại Bắc Mỹ và khu vực Bắc Cực ngày càng quan trọng.
Lãnh thổ Greenland ông Trump muốn mua sắp bầu cử, nhiều đảng muốn độc lập khỏi Đan Mạch
Vào giữa thế kỷ 19, khi người Mỹ chưa biết nhiều đến Alaska thì Greenland thậm chí còn ít tiếng tăm hơn. Đó là lý do ông Seward vào năm 1867 đã ra lệnh tiến hành khảo sát chi tiết hòn đảo thuộc sở hữu của Đan Mạch. Báo cáo vào năm 1868 mô tả Greenland là một vùng đất trù phú. Trong bản tóm tắt, ông Seward nói nơi đây có nhiều loài động vật và hải sản quý, ngoài ra còn có những mỏ than và vị trí gần nhiều bến cảng.
Như những gì từng làm để xúc tiến mua Alaska, ông Seward quảng bá Greenland là vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như vô tận, có thể “trao quyền cho Mỹ kiểm soát thương mại thế giới”.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thương vụ mua Alaska bị chỉ trích, do nó là vùng đất cằn cỗi, bao phủ trong tuyết và không giáp với lãnh thổ của Mỹ, trong bối cảnh nước Mỹ còn nhiều khó khăn sau khi kết thúc nội chiến. Vì vậy quốc hội và công chúng Mỹ năm 1868 không mặn mà với việc có thêm một lãnh thổ băng giá, do đó đề xuất mua Greenland của ông Seward thất bại. Sau vài thập niên, người Mỹ mới phát hiện mỏ vàng và tiềm năng khai thác đầy giá trị tại Alaska, biến thương vụ từng bị truyền thông xem là "Sự điên rồ của Seward" trở thành món hời lớn của Mỹ.
Đề xuất trao đổi 3 bên
Vào đầu thế kỷ 20, Mỹ đã vạch ra một kế hoạch khác nhằm có được Greenland. Đề xuất được cố Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Maurice Egan khởi xướng và dựa trên giao dịch 3 bên phức tạp, thay vì trực tiếp mua vùng đất này.
Vào tháng 9.1910, ông Egan gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ kế hoạch trao đổi lãnh thổ. Thời điểm này, Đan Mạch muốn kiểm soát lại vùng lãnh thổ Schleswig-Holstein đã rơi vào tay Đức vào năm 1864.
Theo đề xuất của ông Egan, Đan Mạch sẽ trao Greenland cho Mỹ, sau đó Mỹ sẽ cho Đan Mạch kiểm soát một cụm đảo tại Philippines. Đan Mạch sẽ dùng cụm đảo này trao đổi với Đức (vốn muốn mở rộng ảnh hưởng về phía đông) và lấy lại Schleswig-Holstein.
Bản thân ông Egan cũng coi đây là “gợi ý táo bạo”. Sau cùng, kế hoạch trên đã không được thực hiện, dù nó đã mở đường cho Mỹ mua lại quần đảo Virgin từ Đan Mạch vào năm 1917.
Thương vụ 100 triệu USD
Lần gần nhất Mỹ trực tiếp đưa ra đề nghị mua Greenland là vào năm 1946, ngay sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Trong thời chiến, hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng, khi hơn 10.000 máy bay phe đồng minh đã hạ cánh tại Greenland để tiếp nhiên liệu cho chiến dịch tấn công Đức.
Ông Ron Doel nói rằng Lầu Năm Góc coi Greenland như “tàu sân bay cố định lớn nhất thế giới” và muốn sở hữu hòn đảo này như một căn cứ không quân, khi các máy bay không thể bay xuyên Đại Tây Dương chỉ trong một lần xuất phát.
Hoạt động của quân đồng minh tại Greenland đã chứng minh đây là một tài sản có giá trị chiến lược, khiến giới chức cấp cao ở Mỹ rất quan tâm đến việc mua hòn đảo này. Vào năm 1946, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề nghị trả 100 triệu USD tiền vàng để mua lại hòn đảo.
Đề xuất từ Washington đã khiến Đan Mạch bất ngờ. “Người Đan Mạch khá bàng hoàng khi Mỹ nghĩ rằng họ có thể giành được một vùng lãnh thổ bằng cách ra giá và Đan Mạch sẵn sàng chấp nhận”. ông Doel nói.
Cố Ngoại trưởng Đan Mạch Gustav Rasmussen nói với đại sứ Mỹ vào thời điểm đó rằng: “Dù chúng tôi nợ nước Mỹ rất nhiều, tôi không cảm thấy chúng tôi nợ toàn bộ hòn đảo Greenland”.
Tầm quan trọng trong Chiến tranh Lạnh
Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đặt Greenland vào vị trí quan trọng trong cạnh tranh giữa 2 cường quốc hạt nhân. Sau Thế chiến 2, Mỹ vào năm 1951 đã ký hiệp ước với Đan Mạch cho phép quân đội Mỹ mở rộng hoạt động tại Greenland, bao gồm xây dựng căn cứ không quân Thule. Căn cứ này cho phép quân đội Mỹ nhanh chóng phản ứng với các mối đe dọa hạt nhân từ Liên Xô, khi những máy bay ném bom có thể xuất kích và tiến đến các thành phố chiến lược của Liên Xô như Moscow hay Leningrad chỉ trong vài giờ.
Theo văn bản từ lãnh đạo Lầu Năm Góc gửi đến cố Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower năm 1955, Bộ Quốc phòng nước này vẫn rất quan tâm đến việc mua lại Greenland, song sau cùng không có đề nghị chính thức nào được đưa ra. Greenland được trao quyền tự trị vào năm 1979 và Đan Mạch vẫn được tham gia vào các vấn đề quốc phòng và đối ngoại của hòn đảo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/my-da-co-y-dinh-mua-lai-greenland-tu-hon-150-nam-truoc-185250209101247357.htm
Bình luận (0)