(ĐCSVN) – Nhân chuyến thăm Angola, ngày 3/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản viện trợ nhân đạo hơn 1 tỷ USD cho châu Phi giữa lúc khu vực miền Nam châu Phi đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận trên toàn khu vực.
Tổng thống J.Biden tại Bảo tàng Nô lệ quốc gia ở ngoại ô thủ đô Luanda của Angola, ngày 3/12. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu tại Bảo tàng Nô lệ quốc gia ở ngoại ô thủ đô Luanda của Angola, ông J.Biden cho biết Mỹ hoàn toàn ủng hộ và cam kết hỗ trợ tài chính cho châu Phi. “Tôi công bố hơn 1 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo mới cho những người châu Phi phải rời bỏ nhà cửa do đợt hạn hán lịch sử và mất an ninh lương thực. Chúng tôi biết các nhà lãnh đạo và công dân châu Phi đang tìm kiếm nhiều hơn là chỉ viện trợ. Các bạn tìm kiếm đầu tư… Vì vậy, Mỹ đang mở rộng mối quan hệ trên khắp châu Phi từ viện trợ sang viện trợ, đầu tư sang thương mại, chuyển từ nhà bảo trợ sang đối tác để giúp thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng” – ông J.Biden nói.
Theo thông báo từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), khoản hỗ trợ này sẽ góp phần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và các nhu cầu cấp thiết khác của người tị nạn, người di dời trong nước và các cộng đồng bị ảnh hưởng tại 31 quốc gia châu Phi.
Tổng thống Angola Lourenco nhận định đây là chuyến thăm đầu tiên của ông J.Biden đến khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi kể từ khi nhậm chức, cho thấy một bước ngoặt trong mối quan hệ song phương với Angola. Nhân dịp này, ông Lourenco khẳng định thiện chí muốn tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với Mỹ.
Hiện Mỹ đã đầu tư vào một dự án đường sắt lớn nhằm vận chuyển khoáng sản quan trọng từ các quốc gia không giáp biển đến cảng Lobito của Angola ở Đại Tây Dương để xuất khẩu. Ông J.Biden nhấn mạnh “tương lai sẽ đến với Angola và châu Phi”.
Dự kiến trong ngày 4/12, ông J.Biden sẽ đến Lobito, cách Luanda khoảng 500 km về phía Nam, để tham dự một Hội nghị thượng đỉnh về đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Tanzania và Zambia.
Cảng Lobito là trung tâm của dự án Hành lang Lobito đã nhận được các khoản vay từ Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước khác để phục hồi tuyến đường sắt nối liền DRC giàu khoáng sản và Zambia với Lobito.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh “đây thực sự là bước ngoặt đối với sự hiện diện của Mỹ tại châu Phi”. Ông Kirby cũng bày tỏ hy vọng rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp quản và xem xét vấn đề này, đồng thời nhận thấy rằng đây chính là cách để giúp thúc đẩy một châu Phi an toàn hơn, thịnh vượng hơn và ổn định hơn về mặt kinh tế.
Nam Phi hiện đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận trên toàn khu vực, làm gia tăng nguy cơ bùng phát một đợt khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn. Hiện một số quốc gia ở châu Phi bao gồm Lesotho, Malawi, Namibia, Zambia và Zimbabwe đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia trong tháng qua khi mùa màng và gia súc ở những nước này chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán. Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết Angola và Mozambique cũng không nằm ngoài cảnh báo trên. Khủng hoảng được dự báo sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng hơn, ít nhất cho tới vụ thu hoạch tiếp theo, dự kiến vào tháng 3 hoặc tháng 4/2015./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/my-cong-bo-vien-tro-nhan-dao-hon-1-ty-usd-cho-chau-phi-685187.html