Đối với những pháo thủ của Ukraine đang phải chống chọi lại lực lượng Nga ven thành phố Kupiansk, gói viện trợ được dự kiến sẽ được chính phủ Mỹ thông qua trong tuần này là một đường dây cứu sinh và thậm chí có thể là một yếu tố thay đổi cục diện, mặc dù gói viện trợ này còn cần một thời gian để được hoàn thiện.
Một binh lính Ukraine với tên hiệu “Sailor” cho biết, việc thiếu đạn pháo đã làm giảm khả năng hỗ trợ của họ cho lực lượng bộ binh, dẫn tới tổn thất về người và lãnh thổ: “Nếu họ đã thông qua gói viện trợ này sớm hơn, nó đã có thể thay đổi tình hình mạnh mẽ”.
Sau 6 tháng tranh cãi tại quốc hội, gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD đang được kỳ vọng sẽ được thông qua tại Thượng viện Mỹ và được ký bởi Tổng thống Joe Biden trong tuần này, giúp bổ sung vào kho đạn pháo và tên lửa phòng không đang cạn kiệt của Kyiv.
Hai nhà phân tích quân sự gồm một cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine và một quan chức an ninh châu Âu cho biết lượng vũ khí này sẽ tăng cơ hội cho Kyiv có thể ngăn cản Nga khỏi đột phá tại miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, Kyiv vẫn đối mặt với thiếu thốn về người trên chiến trường, trong khi nhiều câu hỏi còn bị bỏ ngỏ về khả năng duy trì của đường công sự dài 1.000km của lực lượng này trước thềm một sự kiện mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi là một chiến dịch tiến công mùa hè của Nga.
Konrad Muzyka, giám đốc văn phòng cố vấn quân sự Rochan tại Ba Lan cho biết: “Điểm yếu lớn nhất hiện tại của quân đội Ukraine là nhân lực”.
Sau nhiều tháng tranh luận, một bộ luật đã được Zelensky ký kết vào ngày 16/4 nhằm cải tổ các nguyên tắc về cách chính phủ Ukraine huy động nhân dân và bộ luật này sẽ đi vào hoạt động vào tháng 5 với mục tiêu đẩy nhanh quy trình này cũng như khiến quy trình này minh bạch và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Muzyka cho biết, những binh lính mới nhập ngũ sẽ cần được huấn luyện nhiều tháng trước khi có thể được đưa ra chiến trường, và từ đó tạo nên một “cơ hội” để Nga có thể tận dụng.
“Tôi nghĩ rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi trong ba tháng tới, nhưng nếu quy trình huy động binh lính đi đúng kế hoạch và viện trợ của Mỹ không bị chặn thì tình hình sẽ bắt đầu cải thiện vào mùa thu”.
Điện Kremlin đã khẳng định viện trợ của Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới lợi thế của Nga trên chiến trường và sẽ chỉ dẫn tới nhiều thương vong hơn cho Ukraine.
Thu hẹp khoảng cách
Moscow đã có lợi thế trên chiến trường từ khi giành được Avdiivka, một vị trí kiên cố tại vùng Donbas miền Đông Ukraine, trong tháng 2. Lực lượng nước này đã dần tiến quân, với lợi thế về quân số và đạn pháo.
Lực lượng này đang tấn công nhằm vào thị trấn Chasiv Yar, một thị trấn tại vị trí có lợi thế địa lý, và nếu giành được thị trấn này, Nga sẽ có thể tới gần hơn những thành phố mà Kyiv còn kiểm soát tại Donbas bao gồm Kostiantynivka, Kramatorsk and Sloviansk.
Zelensky trong tuần vừa rồi cho biết, Nga đang có thể bắn số đạn pháo nhiều gấp 10 lần so với Ukraine. Một tướng của Ukraine trong tháng vừa rồi đã cho biết, lực lượng Nga có quân số vượt trội gấp 7-10 lần so với Kyiv tại miền Đông.
Andryi Yusov, phát ngôn viên cơ quan tình báo quân sự của Ukraine, cho biết Moscow đang tập trung vào giành được toàn bộ vùng Donbass.
Ông cũng cho biết thêm, Nga đang tấn công trên ba hướng – phía Tây Avdiivka, từ Kupiansk nhằm vào Lyman và phía Tây Bakhmut. Tại miền Nam, Nga đang tấn công nhằm vào Robotyne, ngôi làng mà Kyiv đã giành lại được trong chiến dịch trong năm 2023.
Những vị trí của Ukraine trong năm nay đã bị tấn công bằng hàng ngàn quả bom lượn từ những máy bay của Nga nhằm tận dụng uy thế trên không của mình và hệ thống phòng không cạn kiệt của Ukraine.
Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine, cho biết việc được cung cấp một lượng lớn hệ thống phòng không sẽ giúp cải thiện tình hình. Và việc được cung cấp F-16 do Mỹ sản xuất, một diễn biến mà Kyiv dự kiến sẽ được thực hiện trong cuối năm nay, sẽ giúp đẩy lùi hoàn toàn các máy bay chiến đấu của Nga.
Ông cho biết, kho đạn pháo được bổ sung sẽ giúp thu hẹp khoảng cách khác biệt về số lượng đạn pháo có thể bắn xuống mức một vài viên đạn pháo từ Nga cho mỗi một viên đạn pháo của Ukraine.
Trích phương pháp sử dụng đạn pháo “có tính toán” hơn của Kyiv so với phương pháp phụ thuộc vào số lượng của Nga, ông khẳng định: “Chúng tôi không cần đạt mức một chọi một. Ba chọi một vẫn đủ để chúng tôi có thể chiến đấu hiệu quả”.
Bên cạnh viện trợ từ Mỹ, viện trợ từ Liên minh Châu Âu cũng sẽ bao gồm một sáng kiến do Cộng hòa Czech dẫn đầu và sẽ cung cấp cho Ukraine khoảng 300.000 viên đạn pháo cỡ nòng 155mm bắt đầu vào tháng 6 tới.
Một nguồn tin an ninh cấp cao của châu Âu cho biết, nếu Ukraine nhận được viện trợ từ Mỹ và châu Âu, khả năng lực lượng nước này có thể ngăn chặn một cuộc đột phá của Nga trong vòng 12 tháng tới “là khá cao”.
Mất vị trí
Muzyka cho biết, Ukraine cần một lượng nhân lực “khổng lồ” để có thể ngăn chặn lực lượng Nga trên toàn chiến trường, và một cuộc huy động nhằm tuyển dụng binh lính tình nguyện sẽ không đủ để bù đắp cho con số thiếu thốn trong lượng nhân lực đó.
Nguồn tin an ninh châu Âu cũng đã khẳng định Ukraine cần đẩy mạnh nỗ lực huy động binh lính.
Cả hai phe trong cuộc xung đột này đều không chia sẻ thông tin về sức mạnh quân sự hay con số thương vong.
Yusov cho biết Nga, quốc gia kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine, điều động khoảng 450.000-470.000 bộ binh chiến đấu tại Ukraine cùng với 35.000 vệ binh quốc gia và lực lượng không quân, hải quân riêng biệt.
Kyiv trong quá khứ đã từng cho biết có lực lượng vũ trang khoảng 1 triệu binh lính.
Vào tháng 12 năm ngoái, Zelensky cho biết quân đội nước này mong muốn huy động thêm nửa triệu binh lính. Chỉ huy hàng đầu của quân đội Ukraine sau khi nhậm chức vào tháng 2 đã cho biết một đánh giá về nguồn tài nguyên và nhân lực đã đi tới kết luận con số binh lính cần huy động đã “được giảm đáng kể”.
Muzyka cho biết, hiện vẫn chưa rõ đường công sự của Ukraine kiên cố tới mức nào. Quân đội nước này cho biết đã liên tục làm việc để củng cố hàng công sự này và Zelensky trong tháng này cho biết, hàng công sự đã hoàn thành tới 98% tại một số khu vực trên tiền tuyến.
Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại cơ quan tư vấn RUSI tại London cho biết: “Nhìn chung, chúng ta có thể chứng kiến hàng phòng thủ kiên cố nhất có thể trong năm 2024, nhưng cũng phải đối mặt với khả năng Ukraine có thể mất một số vị trí vào tay Nga”.
Ông cho rằng đây là kết quả từ việc chiến dịch phản công của Ukraine trong năm vừa rồi đã không thể tạo nên khác biệt lớn trên chiến trường, Nga tập trung quân lực và viện trợ của Mỹ bị trì hoãn.
“Tình hình về viện trợ đang bất lợi hơn nhiều so với những kỳ vọng của Ukraine từ mùa đông vừa rồi. Thử thách lớn nhất mà họ gặp phải hiện tại là làm sao để có thể có hàng phòng thủ mạnh mẽ mà vẫn có khả năng chuẩn bị cho chiến dịch tiến công lớn vào năm 2025”.
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)