Một gói viện trợ vũ khí bao gồm đạn bom chùm được bắn bởi pháo Howitzer 155 mm dự kiến sẽ được công bố ngay sau ngày thứ Sáu, theo ba quan chức Mỹ cho biết với điều kiện giấu tên. Một trong những quan chức cho biết biện pháp này đã được xem xét nghiêm túc trong ít nhất một tuần.
Nhà Trắng cho biết việc gửi bom chùm tới Ukraine “đang được xem xét tích cực” nhưng không đưa ra thông báo nào. Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tuần tới tại Lithuania để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Nga và Ukraine ngừng sử dụng bom chùm và kêu gọi Mỹ không cung cấp chúng. Nhóm này nói rằng cả lực lượng Nga và Ukraine đều đã sử dụng loại vũ khí này khiến dân thường Ukraine thiệt mạng.
Loại bom này, bị cấm bởi hơn 120 quốc gia, thường giải phóng một số lượng lớn bom nhỏ hơn có thể giết người bừa bãi trên một khu vực rộng lớn, đe dọa dân thường. Những quả bom không phát nổ gây nguy hiểm trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.
Một đạo luật năm 2009 đã cấm xuất khẩu một số loại bom chùm của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden có thể từ bỏ các lệnh cấm về loại bom này, như việc người tiền nhiệm Donald Trump đã làm vào tháng 1 năm 2021 để cho phép xuất khẩu công nghệ bom, đạn chùm sang Hàn Quốc.
Ukraine đã kêu gọi các thành viên Quốc hội Mỹ gây áp lực khiến chính quyền của ông Biden chấp thuận gửi loại bom chùm được gọi là Đạn dược cải tiến thông thường có mục đích kép (DPICM).
Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết chính quyền ông Biden đang xem xét gửi DPICM đến Ukraine, nhưng chỉ những thiết bị có tỷ lệ thất bại thấp hơn 2,35%. Quân đội Mỹ tin rằng bom chùm sẽ hữu ích cho Ukraine, nhưng chúng vẫn chưa được phê duyệt cho Kiev vì những hạn chế và lo ngại khác nhau.
Cũng trong gói viện trợ mớ, dự kiến trị giá 800 triệu USD, Ukraine sẽ nhận được đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và các phương tiện mặt đất như xe chiến đấu Bradley và xe bọc thép chở quân Stryker.
Đây sẽ là gói hỗ trợ thứ 42 được Mỹ phê duyệt cho Ukraine kể từ cuộc xung đột với Nga vào tháng 2 năm 2022, với tổng trị giá hơn 40 tỷ USD. Hiện, Ukraine cũng đang yêu cầu phương Tây gửi các máy bay chiến đấu tiên tiến, bao gồm cả F-16, trong bối cảnh nước này tiến hành chiến dịch phản công.
Các thành viên NATO là Đan Mạch và Hà Lan đang dẫn đầu một liên minh gồm các nước phương Tây nhằm đào tạo phi công và nhân viên hỗ trợ, bảo dưỡng máy bay và cuối cùng là cung cấp F-16 cho Ukraine.
Bùi Huy (theo Reuters, AFP, CNA)