Ngày 19/11, Điện Kremlin cho biết, những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga đã được soạn thảo và sẽ được chính thức hóa khi cần thiết, sau khi có những thông tin về việc Mỹ gỡ mọi hạn chế về việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa.
Động thái mới nhất của Mỹ gỡ hạn chế về vũ khí tấn công tầm xa cho Ukraine đang gây ra mối quan ngại lớn. (Nguồn: Gzero Media) |
Theo hãng thông tấn TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Các sửa đổi đã được xây dựng nhưng vẫn chưa được chính thức hóa. Chúng sẽ được chính thức hóa khi cần thiết".
Mặc dù vậy, theo ông Peskov, Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng "chúng tôi không thể nhảy tango một mình...", đồng thời lưu ý, không phải Moscow mà chính Washington là bên khởi xướng "cuộc chạy đua trừng phạt".
Phát ngôn trên của ông Peskov lần nữa phản ánh mối quan ngại của Moscow về quyết định mới nhất của Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga.
Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga quy định rằng, Moscow bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị xâm lược, kể cả khi kẻ thù sử dụng vũ khí thông thường nhưng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia nước này.
Hôm 18/11, sau khi truyền thông phương Tây đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định gỡ các hạn chế ngăn cản Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp để tấn công sâu vào Nga, Điện Kremlin đã gọi động thái này là liều lĩnh và can dự trực tiếp vào xung đột, đồng thời cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định, sự can dự trực tiếp của các nước phương Tây vào xung đột Ukraine sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột này và Moscow sẽ buộc phải đưa ra các quyết định dựa trên các mối đe dọa đối với Nga.
Các nguồn tin thậm chí cho hay, những vụ tấn công đầu tiên vào sâu lãnh thổ Nga nhiều khả năng sẽ được tiến hành với các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn (ATACMS).
Nhấn mạnh bước thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, song tờ New York Times dẫn các nguồn tin đánh giá rằng, bước đi này sẽ không có tác động lâu dài đến diễn biến xung đột tại Ukraine mà chỉ có thể giúp quân đội quốc gia Đông Âu trong ngắn hạn.
Giới chuyên gia nhận định: "Quân đội Ukraine hiện chỉ có số lượng hạn chế tên lửa này. Việc bắn một số ít vào các mục tiêu ở Nga sẽ không tạo ra nhiều khác biệt".
Nguồn: https://baoquocte.vn/my-cho-phep-ukraine-tan-cong-sau-vao-nga-chang-phai-la-chia-khoa-van-nang-moscow-con-vu-khi-nong-van-san-long-cung-nhay-dieu-tango-294270.html
Bình luận (0)