Theo Bloomberg, không quân Mỹ đã lên kế hoạch mở một cuộc đấu thầu với khả năng chi hàng tỉ USD để thay thế máy bay chiến đấu F-22 Raptor. Cuộc đấu thầu này có thể thu hút các đại gia hàng không vũ trụ Mỹ như Lockheed Martin Corp., Boeing Co. và Northrop Grumman Corp.
Không quân Mỹ ngày 18.5 đã đưa ra Đề nghị mời thầu cho giai đoạn phát triển toàn diện của máy bay chiến đấu có người lái chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD). Các máy bay mới sẽ được sử dụng cùng với máy bay không người lái (UAV) đang được phát triển trong một chương trình khác. Không quân Mỹ dự trao hợp đồng phát triển cho nhà thầu vào năm 2024 và máy bay chiến đấu mới sẽ đi vào hoạt động vào những năm 2030.
“Đề nghị mời thầu này chính thức bắt đầu quá trình lựa chọn nguồn, cung cấp cho ngành công nghiệp các yêu cầu mà không quân mong đợi đối với NGAD, các máy bay thay thế của F-22”, không quân Mỹ thông báo. Theo Bộ trưởng Không quân Frank Kendall, NGAD là một bước nhảy vọt về công nghệ so với F-22.
Trong ngân sách năm 2024, không quân cũng đang yêu cầu quốc hội cho nghỉ hưu 32 chiếc F-22 cũ không còn khả năng chiến đấu và chuyển số tiền cần thiết để duy trì chúng vào chương trình máy bay chiến đấu mới.
Hiện rất ít thông tin về chương trình NGAD được công bố. Không quân được cho là có kế hoạch chi 16 tỉ USD cho việc nghiên cứu và phát triển NGAD đến năm 2028. Cũng như F-22, mẫu máy bay mới được dự định trở thành máy bay chiến đấu không đối không.
Tiêm kích tàng hình Trung Quốc có thể lấn át chiến đấu cơ F-22 Mỹ về số lượng
Bộ trưởng Kendall cho biết không quân đã hoãn một số hoạt động mua sắm F-35 để đẩy nhanh quá trình phát triển NGAD. Ông Kendall cũng cho biết các máy bay NGAD sẽ có giá “vài trăm triệu USD” mỗi chiếc. Trong khi đó, các chiếc F-22 có chi phí trung bình là 191,6 triệu USD.
Máy bay F-22 của Lockheed Martin đã có một quá trình phát triển khó khăn. F-22 xuất hiện lần đầu trên chiến trường vào tháng 2.2015, hơn 9 năm sau khi nó được coi là sẵn sàng chiến đấu. Tháng 4.2009, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ Robert Gates đã cắt giảm việc sản xuất F-22 xuống chỉ còn ở mức 187 máy bay thay vì 243 chiếc vì nghi ngờ về chi phí và mức độ phù hợp của nó.
Mặc dù F-22 có khả năng tàng hình và tốc độ hành trình siêu thanh, chiếc máy bay này được phát triển trước khi quân đội Mỹ đặt cược toàn lực vào UAV để mở rộng sức mạnh. Khả năng không đối không cũng là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh Mỹ gia tăng với các đối thủ tiềm năng là Trung Quốc và Nga.