“Điều đó vẫn đang được thảo luận”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, trả lời câu hỏi phóng viên về khả năng cung cấp Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Ukraine.
Mỹ được cho là lo ngại về việc cạn kiệt kho dự trữ tên lửa ATACMS và khả năng leo thang xung đột nếu Kiev sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của Nga.
Hồi đầu tháng 5, Thư ký báo chí Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Wasnhington không có kế hoạch chuyển ATACMS cho Ukraine.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, cho biết Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraine TACMS. Ông nói Mỹ có “tương đối ít” hệ thống ATACMS và quân đội cần phải duy trì mức độ vũ khí quan trọng trong kho dự trữ.
Tên lửa ATACMS có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 300 km và có thể được bắn từ các bệ phóng đã được cung cấp cho Ukraine từ phương Tây, bao gồm bệ phóng di động HIMARS và bệ phóng M270.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước phương Tây đã cung cấp cho Kiev các loại hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa phòng không, hệ thống phóng rocket đa nòng, xe tăng, pháo tự hành và súng phòng không.
Từ lâu, Ukraine đã yêu cầu các đồng minh phương Tây viện trợ cho nước này các loại tên lửa tấn công tầm xa có thể đánh vào vùng hậu cần của Nga, nằm cách xa chiến tuyến.
Mới đây, Vương quốc Anh quyết định cung cấp cho Ukraine tên lửa Storm Shadow với tầm bắn hơn 250km. Tên lửa Storm Shadow có thể sẽ trở thành vũ khí giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường nếu nhìn từ tầm tác chiến của nó.
Tờ Washington Post cho biết, London hy vọng việc họ đi đầu trong việc viện trợ vũ khí tầm xa sẽ khiến Mỹ đổi ý viện trợ ATACMS cho Kiev.
Kông Anh(Nguồn: Sputnik)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo