Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các biện pháp khắc phục được đề xuất để “ngăn chặn và kiềm chế việc duy trì độc quyền” có thể bao gồm các yêu cầu và điều khoản cấm trong hợp đồng; các quy định về sản phẩm không phân biệt đối xử; yêu cầu về dữ liệu và khả năng liên thông; cùng với các yêu cầu về cấu trúc.
Bộ Tư pháp cũng đang cân nhắc các biện pháp khắc phục về hành vi và cấu trúc nhằm ngăn Google sử dụng các sản phẩm như Chrome, Play và Android để tạo lợi thế cho công cụ tìm kiếm Google và các sản phẩm liên quan đến tìm kiếm so với đối thủ hoặc người chơi mới.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề xuất hạn chế hoặc cấm các thỏa thuận mặc định và “các thỏa thuận chia sẻ doanh thu khác liên quan đến tìm kiếm và các sản phẩm liên quan”.
Điều này có thể bao gồm các thỏa thuận về vị trí của Google trên iPhone và các thiết bị Samsung mà Google đang chi trả hàng tỷ USD mỗi năm. Một giải pháp được đưa ra là cho phép người dùng chọn lựa giữa các công cụ tìm kiếm khác nhau.
Những biện pháp này sẽ chấm dứt “sự kiểm soát phân phối của Google hiện nay” và đảm bảo “Google không thể kiểm soát sự phân phối trong tương lai”.
Trước đó, vào tháng 8, một thẩm phán Mỹ ra phán quyết Google đang nắm giữ vị thế độc quyền trên thị trường công cụ tìm kiếm.
Phán quyết này xuất phát từ vụ kiện của chính phủ vào năm 2020, cáo buộc Google duy trì thị phần lớn bằng cách tạo ra các rào cản mạnh mẽ để ngăn cản đối thủ cạnh tranh, tạo nên một vòng lặp phản hồi duy trì sự thống trị.
Tòa án phát hiện Google vi phạm Mục 2 của Đạo luật Sherman, cấm các hành vi độc quyền.
Kent Walker, Chủ tịch các vấn đề toàn cầu của Google, cho biết công ty có kế hoạch kháng cáo và nhấn mạnh tòa án đã ghi nhận các sản phẩm tìm kiếm của hãng có chất lượng cao.
Bộ Tư pháp cũng khuyến nghị Google cung cấp dữ liệu trong chỉ mục tìm kiếm và các mô hình của mình, bao gồm cả các tính năng tìm kiếm sử dụng AI và dữ liệu xếp hạng quảng cáo, cho các đối thủ cạnh tranh.
Bộ Tư pháp cũng xem xét các biện pháp nhằm “cấm Google sử dụng hoặc giữ lại những dữ liệu không thể được chia sẻ hiệu quả với người khác do lo ngại về quyền riêng tư”.
Thẩm phán Amit Mehta cho biết sẽ cố gắng ra phán quyết về các biện pháp khắc phục vào tháng 8/2025. Kháng cáo của Google có thể khiến vụ việc kéo dài thêm nhiều năm.
Lee-Anne Mulholland, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google, cho rằng “việc chia tách Chrome hoặc Android sẽ gây thiệt hại lớn — không chỉ cho những sản phẩm này mà còn nhiều sản phẩm khác”.
Theo các chuyên gia pháp lý, khả năng cao nhất là tòa án sẽ yêu cầu Google hủy bỏ một số thỏa thuận độc quyền như với Apple. Việc chia tách Google dường như ít có khả năng xảy ra.
Trong quý II năm nay, mảng “Google Search & Other” đã mang về 48,5 tỷ USD, chiếm 57% tổng doanh thu của Alphabet. Công ty nắm giữ 90% thị phần tìm kiếm Internet.
(Theo CNBC)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/my-can-nhac-chia-tach-google-2330312.html