Ngày 23/2, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 cá nhân, thực thể của Nga. Động thái này nhằm thể hiện lập trường kiên định của Mỹ đối với khủng hoảng ở Ukraine khi xung đột đã sắp bước sang năm thứ 3.
Ông Adeyemo cho biết, lệnh cấm vận mới sẽ được thực hiện với sự hợp tác của các quốc gia đồng minh nhằmvào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ ba tạo điều kiện cho Nga tiếp cận hàng hóa mà họ muốn.
“Ngày 23/2, chúng tôi sẽ ban hành hàng trăm lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, điều quan trọng là không chỉ có Mỹ thực hiện những trừng phạt này”, ông Adeyemo nhấn mạnh.
Các lệnh cấm vận mới nhất chỉ là một phần trong số hàng nghìn lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva được Mỹ và các đồng minh công bố sau Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Sau hai năm xung đột, thiệt hại về người của cả hai bên lên đến hàng chục nghìn người và phá hủy nhiều thành phố.
Các hình phạt mới được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh tìm cách duy trì áp lực lên Nga, bất chấp nghi ngờ về việc liệu Quốc hội Mỹ có phê chuẩn hỗ trợ an ninh bổ sung cho Kiev hay không.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cạn ngân sách có thể chi bổ sung viện trợ cho Ukraine và chỉ có thể trông chờ vào sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với gói viện trợ quân sự bổ sung.
“Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu sẽ làm chậm lại sự phát triển của Nga, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine”, ông Adeyemo nói thêm. Ông cũng cho rằng các lệnh cấm vận không thể giúp Ukraine mạnh lên và Quốc hội Mỹ cần phải hành động để cung cấp cho Ukraine những nguồn lực và vũ khí mà họ cần.
Các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt không đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Moskva.
Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Những gì Quốc hội Mỹ làm để thông qua viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác mà họ có thể làm trên mặt trận trừng phạt”.
Bộ Tài chính vào tháng 12 cho biết nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, suy giảm 2,1% vào năm 2022.
Rachel Lyngaas, Chuyên gia kinh tế cho biết trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ rằng quy mô của nền kinh tế Nga giảm hơn 5% so với dự đoán trước đó.
Tuy nhiên, kinh tế Nga vẫn đạt kết quả trên mức mong đợi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2024 sau mức tăng trưởng vững chắc 3,0% vào năm 2023.
Tuy nhiên, người phát ngôn của IMF Julie Kozack hôm 22/2 cho biết, “rõ ràng là Nga hiện đang ở trong nền kinh tế chiến tranh”, với chi tiêu quân sự thúc đẩy sản xuất vũ khí, trợ cấp xã hội của chính phủ thúc đẩy tiêu dùng và lạm phát đang gia tăng còn ở những lĩnh vực khác lại đang giảm.