Ngày 1/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington bắt đầu ngừng trao đổi thông tin với Nga để đáp trả việc Moscow đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).
Từ tháng 2, Nga tạm dừng tham gia New START. (Nguồn: IARI) |
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng, các cập nhật về trạng thái hoặc vị trí của tên lửa và bệ phóng, thông tin phán đoán từ xa liên quan các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các dữ liệu khác sẽ không còn được cung cấp.
Bên cạnh đó, Mỹ thông báo trước cho Nga về quyết định của mình đồng thời truyền đạt “mong muốn và sự sẵn sàng đảo ngược các biện pháp đối phó và thực hiện đầy đủ hiệp ước nếu Nga quay trở lại tuân thủ”.
Cùng ngày, bộ trên cũng tuyên bố không còn cho phép Nga tiến hành các cuộc thanh tra trên lãnh thổ của Mỹ và thu hồi hoặc từ chối các đơn xin thị thực đang chờ xử lý.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các biện pháp đối phó là tương xứng và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, ngày 21/2, trong Thông điệp liên bang 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ tạm dừng tham gia New START với Mỹ, nhấn mạnh Moscow chỉ đình chỉ chứ không rút khỏi Hiệp ước.
Tổng thống Putin cảnh báo, dù Moscow không phải bên đầu tiên nối lại hoạt động thử hạt nhân nhưng một khi Mỹ có các hoạt động thử nghiệm, đất nước của ông sẵn sàng cho điều tương tự.
Nga cũng đổ lỗi chính Mỹ đã “phá hủy khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí” và Moscow sẽ không thảo luận về New START chừng nào Washington còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.
Quốc hội Nga sau đó đã nhất trí với quyết định của ông Putin và đến ngày 28/2, nhà lãnh đạo đã ký ban hành luật đình chỉ việc tham gia Hiệp ước New START.
New START được cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama ký năm 2010. Hiệu lực của Hiệp ước bắt đầu một năm sau đó, ban đầu trong khoảng thời gian 10 năm, sau đó được gia hạn đến năm 2026.
Theo Hiệp ước New START, hai nước cam kết cắt giảm kho vũ khí chiến lược xuống không quá 1.550 vũ khí hạt nhân sẵn sàng sử dụng; 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược đã triển khai; 800 bệ phóng ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai.