TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi theo lời mời của Tổng thống Joe Biden sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ vào ngày 22-6 tới. Theo Nhà Trắng, chuyến thăm này sẽ giúp khẳng “định quan hệ đối tác sâu sắc và chặt chẽ giữa 2 nước cũng như sự liên kết gia đình và tình bạn nồng ấm giữa người dân Mỹ và Ấn Độ với nhau”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) hồi tháng 11-2022. Ảnh: Reuters
Nhà Trắng cho hay cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi sẽ củng cố “cam kết chung của 2 nước đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn”, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác công nghệ giữa 2 nước, gồm cả lĩnh vực quốc phòng, năng lượng sạch và không gian.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay chuyến thăm sẽ “nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ”. “Chuyến thăm lịch sử này mang đến cơ hội quý giá cho Ấn Độ và Mỹ để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện và hướng tới tương lai” – Chính phủ Ấn Độ tuyên bố.
Trong nhiều thập niên qua, Mỹ và Ấn Độ đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Song, mối quan hệ này đã bị thử thách trong những tháng gần đây xung quanh một loạt vấn đề, gồm mối quan ngại về quan hệ của Ấn Độ với Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã tìm cách khôi phục “Tứ giác kim cương (QUAD)”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đáng chú ý, ông Biden và Thủ tướng Modi hồi tháng 4 năm ngoái còn tổ chức cuộc họp trực tuyến khi Washington tìm cách lôi kéo New Delhi gây áp lực kinh tế đối với Mát-xcơ-va. Ông chủ Nhà Trắng khi đó nói với ông Modi rằng Mỹ có thể giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu.
Tuy nhiên, không giống như các quốc gia QUAD khác cũng như các đồng minh lớn khác của Mỹ, Ấn Độ đã không đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Nga và ngược lại còn tăng cường nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga. Khi Thủ tướng Modi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 năm ngoái, ông chỉ bình luận công khai có chừng mực về hành động của Nga ở Ukraine. “Tôi biết rằng thời đại ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh” – ông Modi nói với ông Putin.
Dẫu vậy, Mỹ luôn xem trọng mối quan hệ kinh tế với Ấn Độ cũng như các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác trong bối cảnh cạnh tranh giữa nước này với Trung Quốc ngày càng gay gắt. Đơn cử, Tổng thống Biden hồi năm ngoái đã đề xuất thỏa thuận thương mại với Ấn Độ và 11 quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác được gọi là Hiệp định khung kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhà Trắng cho hay thỏa thuận này sẽ giúp các nền kinh tế tham gia thỏa thuận hợp tác chặt chẽ hơn về các vấn đề bao gồm chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, năng lượng sạch, bảo vệ người lao động và chống tham nhũng. “Dù vậy, về Nga, Ukraine hay một loạt vấn đề khác trên thế giới, chúng tôi có những khác biệt trong cách tiếp cận và có quan điểm khác nhau” – Richard Rossow, cố vấn cấp cao về quan hệ Mỹ – Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết.
Thủ tướng Modi là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ ba được Tống thống Biden gửi lời mời thăm chính thức cấp nhà nước. Trước đó, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa hồi cuối năm ngoái đã gửi lời mời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau đó là Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Mỹ hồi tháng 4 vừa qua.