Đô đốc Christopher Grady, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết: “Dù bạn có muốn gọi hoạt động này là một cuộc chạy đua hay không, thì chắc chắn là như vậy. Cả hai bên chúng tôi đều nhận ra rằng đây sẽ là một yếu tố rất quan trọng trên chiến trường trong tương lai. Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết vấn đề này giống như Mỹ”.
Nguồn gốc của AI trong quân đội thực chất là sự kết hợp giữa máy học (machine learning) và quyền tự chủ (autonomy). Học máy xảy ra khi máy tính phân tích dữ liệu và bộ quy tắc để đưa ra kết luận. Còn quyền tự chủ là khả năng áp dụng những kết luận đó một cách độc lập, mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người.
Các khái niệm này xuất hiện sớm vào những năm 1960 và 1970 với sự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Hải quân Mỹ. Aegis được huấn luyện thông qua một loạt bộ “quy tắc nếu/thì” do con người lập trình, để có thể phát hiện và đánh chặn các tên lửa bay tới một cách tự động và nhanh hơn khả năng của con người. Nhưng phản ứng của Aegis chỉ giới hạn trong những quy tắc đã được lập trình.
Mỹ bắt đầu thử nghiệm ứng dụng AI vào tác chiến sớm hơn Trung Quốc. Mới đây, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall được trải nghiệm khi ông ngồi trên Vista – máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên được điều khiển bởi AI trong một cuộc tập trận không chiến ở Căn cứ Không quân Edwards (California, Mỹ), theo Air Force Times.
Trong một dự án quan trọng khác, quân đội Mỹ cũng nghiên cứu một giải pháp thay điều hướng phụ thuộc vào vệ tinh GPS bằng AI. Trong một cuộc chiến tranh tương lai, các vệ tinh GPS có thể sẽ bị tấn công hoặc bị can thiệp. Việc mất GPS có thể làm hỏng hệ thống liên lạc và định vị, đồng thời khiến phi đội máy bay và tàu chiến của quân đội Mỹ suy giảm khả năng phối hợp ứng phó. Với thực tiễn trên, năm 2023, Không quân Mỹ triển khai một chương trình AI, được tải vào máy tính xách tay gắn trên sàn của máy bay vận tải C-17, để nghiên cứu một giải pháp thay thế sử dụng từ trường trái đất.
Sau thử nghiệm, Đại tá Garry Floyd, Giám đốc chương trình máy gia tốc AI của Bộ Không quân Mỹ – MIT, đánh giá: thông qua các chuyến bay, AI đã học được việc tín hiệu nào cần bỏ qua, tín hiệu nào cần tuân theo và kết quả “cực kì ấn tượng”.
Theo ABC News, nhiều quan chức Mỹ nhấn mạnh tính an toàn về kiểm soát dữ liệu đầu vào cho AI. Lực lượng Không quân Mỹ hy vọng rằng một phiên bản AI đang được phát triển có thể đóng vai trò là bộ não cho phi đội gồm 1.000 máy bay chiến đấu không người lái đang được 2 công ty quân sự General Atomics và Anduril phát triển.
Trung Quốc cạnh tranh Mỹ
Vào năm ngoái, theo một báo cáo từ South China Morning Post, các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc thông báo rằng một máy bay chiến đấu được điều khiển bởi AI giành chiến thắng trước một máy bay khác do con người vận hành, trong một cuộc huấn luyện không chiến mô phỏng trong thời gian cực ngắn khoảng 90 giây. Tuy nhiên sau thành công đó, đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chạy thử nghiệm AI bên ngoài thiết bị mô phỏng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/my-dat-muc-tieu-ai-hoa-chien-dau-co-trong-cuoc-dua-voi-trung-quoc-185240513114152333.htm