Huyện Mường Lát có trên 40.684 người, với 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Cùng với lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát trong trang phục truyền thống.
Theo đó, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng lại Lễ hội Xên Bản của dân tộc Khơ Mú; khảo sát, tìm tư liệu về đền Tư Mã và xây dựng đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào ở thị trấn Mường Lát, đồng thời phát động Nhân dân phát hiện, sưu tầm và hiến tặng các hiện vật có liên quan đến đền thờ Tư Mã Hai Đào. Kết quả đã phát hiện 1 cồng, 1 thanh kiếm, 1 lư hương liên quan đến Tướng quân Tư Mã Hai Đào. Cùng với đó, huyện đã tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ các dân tộc do tỉnh tổ chức. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với hoạt động văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa. Chú trọng bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể, có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, cá nhân, gia đình có công sức bảo tồn, gìn giữ tài sản văn hóa dân tộc. Ở các khu, bản đã thành lập các đội văn nghệ truyền thống. Hiện nay có 50/88 bản, khu có đội văn nghệ tham gia các hoạt động do bản, khu tổ chức và tham gia cuộc thi do xã, thị trấn tổ chức.
Hàng năm huyện tổ chức các hội thi nhằm duy trì các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian, các loại đạo cụ dân tộc, ẩm thực…; phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức các lớp dạy chữ Thái, chữ Mông cho cán bộ và người dân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về hệ thống di sản văn hóa của huyện đến toàn thể học sinh thông qua chương trình học tập chính khóa và ngoại khóa. Từ đó, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục và gìn giữ như: khặp, đánh mảng, nhảy sạp, khua luống, ném còn, đánh cồng chiêng, bắn nỏ, kéo co của dân tộc Thái; ném pao, đánh cù, thổi khèn của dân tộc Mông; lễ cấp sắc của đồng bào Dao… Thông qua việc bảo tồn, phát huy các nét văn hóa truyền thống đã thúc đẩy phong trào xây dựng làng văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Để dần thay đổi việc tang lễ trong đồng bào dân tộc Mông, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với huyện Mường Lát đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đề án “Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông”. Vì vậy, việc hiếu, hỷ đang dần được người dân tổ chức theo nếp sống mới, đơn giản, tiết kiệm, lành mạnh.
Bài và ảnh: Thiện Nhân