Từ sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập, Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Lai Châu đứng trước nhiều khó khăn và nảy sinh nhiều vướng mắc bất cập trong thực hiện nhiệm vụ cũng như bố trí sắp xếp nguồn nhân lực.
Câu chuyện mới đây với ông Lê Thanh Nghị – Phó Hiệu trưởng Trường CĐCĐ khiến chúng tôi hiểu rõ hơn về những khó khăn mà trường đang đối mặt. Hình ảnh về ngôi trường CĐCĐ rộn rã với nhiều chuỗi hoạt động giờ chỉ còn là ký ức.
Tháng 10/2019, Trường CĐCĐ được sáp nhập từ 3 đơn vị trường: Trung cấp Y, Trung cấp Nghề dân tộc nội trú và Trường CĐCĐ; hiện nay có 3 phòng và 5 khoa. Mặc dù chức năng, nhiệm vụ với những nét tương đồng có thể hợp nhất, song khi thực hiện nhiệm vụ, nhiều phát sinh từ thực tiễn mới thấy có những ‘khập khiễng” rõ rệt.
Đối với Khoa Y dược, sau khi sáp nhập, còn lại 6 bác sỹ, 2 điều dưỡng thực hiện nhiệm vụ đào tạo liên tục cho cán bộ ngành Y tế tỉnh và đào tạo chương trình trung cấp cho 9 lưu học sinh Lào. Do chưa đủ giáo viên để dạy những môn chuyên ngành nên trường vẫn phải mời các bác sỹ của ngành Y tế tỉnh về dạy. Mỗi năm Khoa Y dược thực hiện đào tạo khoảng 75 sinh viên nhưng do nguồn nhân lực giảng dạy không đủ nên trường không thể duy trì được mã ngành. Đối với một số ngành trung cấp, trường không được phép tuyển sinh từ năm 2018, còn theo lộ trình đến năm 2025, những người có trình độ này ở tuyến huyện không còn nữa. Với những bất cập nêu trên, cán bộ Khoa Y dược dù rất tâm huyết, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm song cũng rất khó để bố trí được việc làm dẫn đến số giờ, số tiết không đủ định mức giao. Trong khi đó, ngành Y tế đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt nguồn cán bộ có trình độ cao. Đến nay đã có 4 vị trí tại Khoa Y dược của trường đã được tỉnh linh hoạt cho chuyển công tác ở một số nơi trong tỉnh. Thực tế hiện nay nhiều địa phương ở miền xuôi đang có chính sách thu hút cán bộ ngành Y vượt trội. Đối với cán bộ có trình độ Đại học Y, số tiền thu hút lên đến 200 triệu đồng/người nếu đồng ý về nhận công tác. Đó cũng là lý do vì sao 2 năm qua, ngành Y tế Lai Châu không tuyển được chỉ tiêu nào.
Lớp thực hành cắt may đang được đào tạo tại Trường Cao đẳng Cộng đồng.
Tiếp tục câu chuyện “có còn đất dụng võ cho người tài?”, chúng tôi được anh Trần Xuân Hoàng – Trưởng Khoa Sư phạm “trải lòng” về những khó khăn mà khoa cũng như bản thân anh đang nỗ lực từng ngày để giải bài toán tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Giáo dục. Hiện nay, khoa còn 7 giáo viên (tính cả lãnh đạo khoa) song con số này sẽ còn dao động liên tục vì nếu có cơ hội, cán bộ khoa sẽ tìm cách chuyển công tác.
Trước đây, Trường CĐCĐ được phép đào tạo 3 ngành: mầm non, tiểu học, THCS, tuy nhiên, vào thời điểm sáp nhập trường, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục Nghề nghiệp ra đời, 2 ngành tiểu học và THCS không còn trình độ cao đẳng, bắt buộc phải có trình độ đại học. Toàn bộ giáo viên, trong đó có trình độ thạc sỹ và cả tiến sỹ đều không có học viên để đào tạo. Vậy là những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm giảng dạy, có tâm huyết, trách nhiệm và khát khao cống hiến đều không thể phát huy được năng lực, sở trường của mình. Mang theo những tiếng thở dài, lo âu, một số người bỏ việc đi tìm công việc khác, một số may mắn hơn tìm đến những vị trí còn thiếu nơi môi trường mới (tất nhiên không phù hợp chuyên môn), một số cầm cự ở lại để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chính quy giáo dục mầm non trình độ cao đẳng. Thế nhưng, sau khi rà soát số lượng giáo viên bậc mầm non đến năm 2030, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, toàn tỉnh không có nhu cầu tuyển thêm.
Dù tỉnh trả lời như vậy song anh Trần Xuân Hoàng vẫn khẳng định, hiện nay với tình trạng giáo viên xin nghỉ việc chuyển sang làm công việc khác hoặc chuyển công tác về xuôi đang diễn ra nhiều, thì nhu cầu tuyển dụng trong ngành Giáo dục nói chung, bậc mầm non nói riêng vẫn còn. Đối với ngành đào tạo giáo dục mầm non hệ cao đẳng do Trường CĐCĐ đào tạo, sinh viên sau khi tốt nghiệp khoảng 1 năm, có đến 90% xin được việc làm và làm việc đúng nghề. Do vậy, anh cho rằng việc cho hay không cho phép trường được đào tạo bậc mầm non phải rà soát chi tiết từng ngành, bậc, cấp và từng địa phương để đánh giá đúng nhu cầu giáo viên còn thiếu.
Đối với lĩnh vực nghề nghiệp xã hội, đây được cho là lĩnh vực khả quan nhất trong thực hiện chiêu sinh hàng năm bởi hiện nay nhu cầu về lao động, việc làm rất lớn. Sinh viên chỉ cần học xong 1 năm lý thuyết và đi thực tập, các đơn vị doanh nghiệp đã nhận người vào làm việc ngay. Chẳng hạn như học sinh ngành điện, chỉ cần học xong năm đầu, các doanh nghiệp thủy điện trong tỉnh đã có nhu cầu ký hợp đồng lao động với mức lương tối thiểu 10 triệu đồng và còn cao hơn nữa tùy theo vị trí việc làm. Sở dĩ dễ dàng như vậy là bởi các doanh nghiệp thủy điện hiện nay đang thiếu nguồn lao động trong tỉnh và chỉ có lao động là người địa phương mới gắn bó lâu dài, định cư, cống hiến cho công ty.
Hiện nay, Trường CĐCĐ đang dạy các loại ngành nghề như: điện, may, công nghệ ôtô, du lịch, chế biến món ăn, máy xúc, máy ủi. Nhiệm vụ này do Khoa Kinh tế – Tổng hợp đảm nhận. Theo anh Nguyễn Văn Huấn – Trưởng khoa thì: Một số ngành nghề có sẵn giáo viên đào tạo nhưng không tuyển sinh được học viên. Ngược lại, đối với một số ngành nghề thị trường lao động đang có nhu cầu cao thì giáo viên vừa ít mà chất lượng lại chưa đủ đáp ứng. Là bởi do được điều chuyển, bố trí trái với ngành nghề đào tạo nhằm hợp lý hóa nguồn nhân lực nên các giáo viên phải “vừa học, vừa dạy”. Với khó khăn đó, từ khi sáp nhập trường, khoa có tới 4 cán bộ chuyển đến môi trường làm việc khác, còn lại được bố trí công việc phù hợp để có thể tận dụng nguồn cán bộ đang có.
Với trăm ngàn khó khăn như vậy, ông Lê Thanh Nghị cho biết thời gian tới trường sẽ đề nghị giải thể Khoa Y dược và tập trung đào tạo lĩnh vực nghề nghiệp xã hội đang cần để đáp ứng hài hòa nguồn lao động có chất lượng cho xã hội nói chung, cho tỉnh nói riêng.