Tại Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 5.4.2024, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Còn theo quy định hiện hành (Nghị định 24/2012/NĐ-CP), quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng được quy định như sau: Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Nghị định cũng quy định về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Theo đó, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên.
Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên.
Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên.
Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.
Nghị định này cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng có trách nhiệm:
Chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định.
Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.
Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.
Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.
Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
10h sáng ngày mai, tức 22.4.2024 (thứ Hai), Ngân hàng Nhà nước chính thức bắt đầu tổ chức phiên đấu giá vàng đầu tiên sau 11 năm vắng bóng.
Địa điểm tổ chức đấu thầu diễn ra tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước – Ngân hàng Nhà nước số 25 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo Ngân hàng Nhà nước, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá.
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đầu thấu là 16.800 lượng vàng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.
Theo quy định, loại vàng miếng bán ra là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.
Các thành viên tham gia đấu thầu sẽ đặt cọc với tỉ lệ 10%. Giá tham chiếu để tính đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng (giá này chỉ tính để đặt cọc).
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 14.000 lượng vàng.
Khối lượng đặt thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 20.000 lượng vàng.
Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng