Đó là Giang Nhi, thí sinh tại TP.HCM. Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai: Thí sinh cần làm gì sau khi thi tốt nghiệp?” của Báo Thanh Niên chiều 4.7, Giang Nhi hỏi: “Mới đây, em đọc thông tin về một nữ giảng viên viên xinh đẹp của Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM làm MC nói tiếng Hàn cho một chương trình có sự hiện diện của Tổng thống Hàn Quốc. Điều này khiến em bỗng thích được học ngành này. Nếu em dùng điểm tốt nghiệp thi tốt nghiệp THPT xét tuyển thì cơ hội đậu có nhiều không? Ngành này có thể làm được các công việc gì nếu như không làm MC tiếng Hàn?”.
Học ngôn ngữ Hàn có thể làm những công việc gì?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho biết nữ giảng viên đó là thạc sĩ Phạm Thị Thùy Linh, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế của trường.
“Tại Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, nhóm ngành ngôn ngữ có tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung Quốc, với số lượng thí sinh nộp hồ sơ năm nay tăng 40% so với năm 2022. Chương trình đào tạo của các trường ĐH mang tính liên ngành nên học một ngành là tốt nghiệp đều có thể làm nhiều nghề. Ngày nay, ngoại ngữ và tin học được xem là vô cùng quan trọng trong nghề nghiệp. Biết thêm một ngôn ngữ là cơ hội việc làm của các em tăng thêm rất nhiều”, thạc sĩ Nguyên nhận định.
Theo thạc sĩ Nguyên, những người học về ngôn ngữ thường có trí nhớ tốt, khả năng phát âm chuẩn, hướng ngoại và hội nhập văn hóa cũng rất tốt. Học xong ngành ngôn ngữ Hàn cũng như các ngôn ngữ khác, sinh viên có cơ hội làm nhiều vị trí công việc khác nhau như biên phiên dịch, du lịch, kinh doanh thương mại, chăm sóc khách hàng, thư ký, giảng viên…
“Các em cũng hoàn toàn có khả năng làm MC sử dụng ngôn ngữ các em đã học nếu có đủ đam mê, năng khiếu, chịu khó rèn luyện thêm kỹ năng để làm nghề MC. Năm 2023, nếu trúng tuyển nhóm ngành ngôn ngữ tại trường, các em sẽ được học bổng 40% trong suốt khoá học”, thạc sĩ Nguyên thông tin thêm.
Đã trúng tuyển sớm, muốn đăng ký thêm ngành khác
Trong khi đó, thí sinh Ngô Minh Hải ở Đồng Nai, băn khoăn về ngành vật lý y khoa. “Em thấy ngành này khá lạ, có phải là ngành học mới hay không? Em đã trúng tuyển bằng phương thức học bạ vào ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nay em muốn xét thêm ngành này bằng điểm thi thì đăng ký trên hệ thống xét tuyển ra sao?”.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin, vật lý y khoa là ngành học đã được trường đào tạo 3-4 năm, thuộc lĩnh vực khoa học ứng dụng. “Ngành này áp dụng kiến thức, quy luật, hiện tượng vật lý, các giải pháp kỹ thuật công nghệ vào trong sinh học, y tế với mục đích chăm sóc sức khỏe cộng đồng hoặc điều trị bệnh. Nếu em đã trúng tuyển ngành công nghệ thực phẩm mà vẫn muốn xét tuyển ngành này bằng điểm thi thì em hoàn toàn có thể đăng ký thêm trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT”, thạc sĩ Trị giải đáp.
Cũng thắc mắc về việc đã trúng tuyển một ngành nhưng vẫn muốn xét tuyển thêm ngành khác, thí sinh Đặng Hải Dương (Quảng Ngãi), đặt câu hỏi: “Em đã trúng tuyển sớm vào ngành răng hàm mặt của một trường ngoài công lập, nhưng em thích học bác sĩ đa khoa hơn nên em đang đợi kết quả thi để đăng ký ngành này. Như vậy, khi đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, em đặt nguyện vọng y đa khoa Trường ĐH Duy Tân lên đầu tiên, sau đó đến ngành răng hàm mặt đã trúng tuyển sớm của trường ĐH kia thì có được không? Nếu em không đậu thì có được xét đậu vào ngành răng hàm mặt nữa không?”.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, đây là tình huống mà rất nhiều thí sinh cũng đang gặp phải. Tiến sĩ Hải khuyên: “Từ ngày 10-30.7, khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, em có thể đặt ngành y đa khoa lên nguyện vọng đầu tiên, sau đó đến ngành răng hàm mặt và các nguyện vọng mà em mong muốn khác. Hệ thống sẽ tự động xét tuyển ngành y đa khoa trước. Nếu đủ điểm thì em sẽ trúng tuyển y đa khoa, nhưng trong trường hợp không trúng tuyển y đa khoa thì em sẽ tiếp tục được xét đến ngành răng hàm mặt và đây là ngành em đã trúng tuyển nên hệ thống sẽ xác nhận và không xét các ngành tiếp theo nữa”.