(HNMO) – Thời gian qua, nhiều cây cầu bắc qua sông Tô Lịch, sông Nhuệ trong nội thành Hà Nội đã được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Hầu hết các cầu đều có vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng cầu được mở rộng, giúp dòng phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn… Tuy nhiên, cầu đẹp, rộng lại trở thành lợi thế phục vụ cho một nhóm người sử dụng vì lợi ích riêng, làm mất đi không gian chung của cộng đồng.
Cầu Mộ Lao bắc qua sông Nhuệ, nối đường Tố Hữu với phố Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) có hành lang khá rộng. Dù dòng người, phương tiện vào giờ cao điểm buổi chiều rất đông, nhưng nhiều người vẫn chiếm dụng một phần cầu để bán nông sản.
Cách đó không xa, cầu Đen nối đường Tô Hiệu với đường Phùng Hưng (quận Hà Đông) cũng trở nên đông đúc khi có đến cả chục người bán hàng rong tập trung xe đẩy bán hàng ăn vặt.
Đặc biệt, các cầu bắc qua sông Tô Lịch, đoạn qua địa phận quận Cầu Giấy cũng bị chiếm dụng với “muôn hình vạn trạng”. Cuối năm 2021, cầu Yên Hòa được đầu tư mới, đưa vào sử dụng, nối hai quận Cầu Giấy và Đống Đa. Cầu được thiết kế rộng, góp phần giải phóng luồng phương tiện hay tắc nghẽn ở khu vực này. Tuy nhiên, cầu cũng chung “số phận” như bao cây cầu khác…
Các cầu Yên Hòa, cầu Cót, cầu 361 cũng không là ngoại lệ.
Và cầu Mới (quận Đống Đa) vẫn luôn là điểm “nóng” khi từ sáng đến đêm khuya, luôn “thường trực” đông đảo đội ngũ bán hàng với đủ các loại hàng hóa.
Bắc qua sông Tô Lịch, cầu nối phố Thượng Đình với Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) có hành lang rộng và cũng được tận dụng triệt để làm nơi bán hàng.
Cũng như vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng, việc sử dụng cầu sai mục đích cũng phải bị xử lý đúng quy định. Không lẽ, những vi phạm này bị “bỏ quên”?
Câu hỏi xin được gửi đến các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại…