Chia sẻ với Báo Giao thông về Chương trình âm nhạc “Giai điệu Nga” đang diễn ra tại Hà Nội – Huế – Đà Nẵng, anh bày tỏ, bản thân mong muốn ngay cả những khán giả bình dân nhất cũng có thể tiếp cận được với âm nhạc bác học.
Đến với opera vì chữ “duyên”
Chương trình âm nhạc “Giai điệu Nga” vừa diễn ra tại Hà Nội để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả yêu nhạc cổ điển. Cảm xúc của anh thế nào?
Sau đêm diễn, tôi thật sự rất vui vì nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ khán giả. Dự án này là bước khởi đầu nho nhỏ cho những dự án sắp tới sẽ được trình diễn ở Việt Nam. Tôi hy vọng thời gian tới, khán thính giả Việt Nam được nghe và hiểu hơn về âm nhạc cổ điển.
Âm nhạc cổ điển giống như một tấm danh thiếp quảng bá cho sự đổi mới của đất nước. Tôi hy vọng âm nhạc cổ điển của Việt Nam sẽ có những bước chuyển mình.
Cơ duyên nào đưa anh đến với opera?
Tôi đến với opera không sớm lắm, nhưng khi tiếp xúc thì thấy được sự bác học ở đó và tôi muốn chinh phục. Quá trình học tập, tôi rất may mắn khi nhận được học bổng du học tại Nga. Khi càng học, tôi càng đam mê.
Tất nhiên, con đường mà tôi đã chọn nó không dễ dàng gì. Bởi âm nhạc cổ điển Việt Nam vẫn chưa có môi trường chuyên nghiệp thực sự giống như châu Âu để phát triển. Thế nhưng tôi nghĩ, môi trường là do chính chúng ta tạo ra.
Tôi mong muốn sẽ có nhiều cơ hội hơn để làm việc với cả các trường đào tạo ở Việt Nam, các cơ sở hoạt động nghệ thuật để có thể tìm được tiếng nói chung và hướng đi phù hợp.
Anh đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay?
Vở opera đầu tiên được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết vào năm 1963 là bước đánh dấu khởi đầu. Nếu lấy mốc 1963, nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam rất trẻ so với thế giới. Tuy non trẻ nhưng âm nhạc hàn lâm Việt Nam mang tính dân tộc. Đây là một điểm riêng mà chúng ta cần quảng bá, phát huy để cho bạn bè thế giới có thể thưởng thức được sự tinh tế, nét khác biệt.
Thị trường âm nhạc cổ điển Việt Nam rất tiềm năng và lượng khán giả đi nghe nhạc cổ điển ngày càng tăng. Khi đất nước phát triển, nhu cầu về thưởng thức nghệ thuật hàn lâm chắc chắn sẽ ngày càng cao.
Quảng bá văn hóa Việt qua âm nhạc
Anh có gặp khó khăn gì khi hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài?
Với tôi, được học tập và nghiên cứu tại Học viện Âm nhạc Liên bang Nga mang tên Gnesin trong gần 10 năm qua là niềm vinh dự to lớn. Đây là ngôi trường có bề dày đào tạo âm nhạc gần 130 năm, đã cung cấp cho nước Nga và thế giới nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực âm nhạc. Riêng với Việt Nam, trường đã đào tạo nhiều chuyên gia và họ đang làm việc trong những nhạc viện lớn, các tổ chức âm nhạc uy tín.
Môi trường cạnh tranh cao và rất khắc nghiệt ở đây mang đến cho tôi nhiều kiến thức, trải nghiệm. Tôi phải cố gắng học rất nhiều. Ngoài ra, tôi cũng phải bươn chải rất nhiều, tìm kiếm cơ hội để quảng bá văn hóa của Việt Nam với bạn bè thế giới.
Nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa.
Hiện nay, số lượng sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga khá lớn, đây là một kênh để quảng bá hình ảnh của đất nước. Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài chính là đại sứ văn hóa của quốc gia, nếu biết cách tận dụng để quảng bá.
Để những nghệ sĩ trẻ có điều kiện thuận lợi trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới, theo anh điều gì là cần thiết?
Thời gian qua, nhiều đoàn nghệ sĩ trong nước đã ra nước ngoài biểu diễn, quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua âm nhạc. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, để chính sách hiệu quả hơn nữa, chúng ta cũng cần học hỏi, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia châu Á khác, họ đã làm rất tốt, chẳng hạn như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Dự định sắp tới của anh như thế nào sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ?
Tháng 7 năm nay tôi sẽ có show biểu diễn tại Ý và sẽ có một khóa học ngắn hạn với chuyên gia tại đó. Trong năm nay, tôi sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ và thực hiện show diễn vòng quanh Nhật Bản vào tháng 9/2024.
Tôi rất muốn về để cống hiến cho đất nước. Thế nhưng tôi cũng nghĩ rằng, dù ở đâu thì bằng cách này hoặc cách khác, mình vẫn có thể cống hiến. Tôi muốn đi thật nhiều, tiếp xúc thật nhiều, tiếp thu những cái mới và muốn góp phần nhỏ vào việc bắc nhịp cầu đưa những tinh hoa thế giới kết hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo.
Cảm ơn anh!
Ca sĩ Nguyễn Khắc Hòa (sinh tại Quảng Bình) đang là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Gnesin (Liên bang Nga). Nguyễn Khắc Hòa đã tham dự nhiều chương trình biểu diễn tại Nga, Việt Nam, Moldova, Kazakhstan và nhiều chuyến lưu diễn tại châu Âu và châu Á.
Năm 2013, Khắc Hòa là một trong những thí sinh tài năng trúng tuyển vào ngành Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Huế. Năm 2014, anh xuất sắc giành giải thưởng âm nhạc tài năng do Toyota trao tặng.
Với thành tích học tập ấn tượng, năm 2014, Khắc Hòa là một trong số ít sinh viên của Học viện Âm nhạc Huế nhận được học bổng toàn phần của Bộ Giáo dục và Đào tạo cử sang học tập tại Liên bang Nga.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nghe-si-opera-nguyen-khac-hoa-muon-dua-am-nhac-bac-hoc-den-voi-khan-gia-binh-dan-192240409085701606.htm