Theo nhiều dự báo “như đinh đóng cột” của giới quan sát, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ hồi phục mạnh trong năm 2024 và có thể đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam, tất nhiên không đứng ngoài thị trường này, thậm chí còn hội đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn với: một hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển, nguồn nhân lực dồi dào và quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp này. Đánh giá rất cao những tiềm năng của Việt Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) John Neuffer nói, Việt Nam “có những cơ hội đáng kinh ngạc để có thể để lại dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ KH-ĐT, phân tích, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và chính phủ các nước, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đầu tiên phải kể đến chi phí đầu tư cao, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD. Hơn nữa, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi luôn phải đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển để không bị tụt hậu.
Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực này rất cao đến từ các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Những quốc gia/ khu vực này đã công bố kế hoạch đầu tư cho lĩnh vực chip của mình từ 50-150 tỷ USD. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao cũng đặc biệt lớn, trong khi thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Vậy làm sao để thực sự có được miếng “bánh” ngon?
Trong rất nhiều việc phải làm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhắc đến nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030, hướng đến mục tiêu có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các thị trường phát triển khác.
Song, với đặc thù của ngành đào tạo này, nỗ lực này chỉ có thể thành công nếu có sự chung tay của Bộ KH-ĐT, Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT và một số trường đại học hàng đầu của Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM… Các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực – các khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu kinh tế các tỉnh, thành cùng cộng đồng doanh nghiệp tất nhiên cũng không thể ngoài cuộc.
ANH THƯ