Sáng 12/11, nêu câu hỏi chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TT&TT, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết, thời điểm làm quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra nhận định nếu không có hệ sinh thái số mạng xã hội Việt Nam thì không có sức mạnh đàm phán với Google, Facebook… Khi đó, họ sẽ tiếp tục không tuân thủ pháp luật Việt Nam, còn chúng ta không dám cắt dịch vụ.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – đoàn Quảng Bình. Ảnh: QH

“Tôi thấy, đây là một chiến lược lớn và rất đúng để không phụ thuộc và có thể cạnh tranh với các ông lớn như Google, Facebook, Youtube. Đặc biệt là đảm bảo chủ quyền, an ninh mạng quốc gia. Vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết, lúc nào chiến lược này trở thành hiện thực”, đại biểu đoàn Quảng Bình nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mới tạm quyền Bộ trưởng, ông có nói sức mạnh đàm phán bao giờ cũng dựa trên thực lực, không có thực lực thì khó đàm phán. “Nếu như có mạng xã hội mạnh trong tay thì sức ảnh hưởng trong quá trình đàm phán với mạng xã hội nước ngoài sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, hiện nay chúng ta đã cấp phép gần 1.000 mạng xã hội. Lý giải vì sao lại cấp phép nhiều như vậy, theo Bộ trưởng, mạng xã hội Việt Nam đi vào thị trường ngách. Trong số đó, có 20 mạng xã hội lớn. Tổng số người dùng mạng xã hội của Việt Nam tương đương số người Việt dùng Facebook, Youtube, Tiktok. Còn nếu tính cả 38 nền tảng số quốc gia thì số người dùng mạng xã hội Việt Nam còn lớn hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

“Muốn phát triển bền vững, muốn chuyển đổi số, bắt buộc chúng ta phải làm chủ công nghệ, bắt buộc chúng ta phải làm chủ các nền tảng, không có con đường nào khác. Rất may, người Việt Nam giỏi công nghệ thông tin, hoàn toàn có thể làm chủ các ứng dụng và từ làm chủ các ứng dụng đến làm chủ công nghệ”, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Mạng xã hội có trách nhiệm làm lành mạnh hóa không gian mạng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) cho hay, Luật An ninh mạng đã nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để hoạt động mê tín dị đoan. Mặc dù, thời gian qua nhiều bộ ngành đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng hiện nay dịch vụ tâm linh, dịch vụ bói toán, tử vi trực tuyến có dấu hiệu nở rộ, với lực lượng thầy bói online khá hùng hậu, gây ra nhiều hậu quả cho xã hội.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao – đoàn Kiên Giang.

“Đây là không gian màu mỡ để kẻ xấu lừa đảo, khiến người dân tiền mất, tật mang. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ nhất để xử lý dứt điểm tình trạng này?”, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu câu hỏi chất vấn.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ “tôi có nói là nhà nào quản nhà đấy” và cho rằng Bộ VHTT&DL phải vào cuộc xác định hành vi đó có phải là mê tín dị đoan hay không để xử lý.

“Khi xác định hành vi rồi mà cần xác định danh tính, hoặc là cần ngăn chặn thì cần phối hợp với Bộ TT&TT. Chúng tôi làm cái này rất nhanh. Chúng ta đã có quy chế, có phối hợp và đã có công cụ để xử lý”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng TT&TT, khi có tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan bằng văn bản, bằng lời, bằng hình ảnh… thì căn cứ vào đó, Bộ TT&TT cũng có những công cụ để rà quét.

“Hiện nay, các doanh nghiệp số của Việt Nam đã phát triển được công cụ, phần mềm mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi, để xem những  hoạt động này có phải là mê tín dị đoan không, để báo sang Bộ VHTT&DL xử lý”, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ TT&TT đang làm việc với các mạng xã hội, để khi các tiêu chí về mê tín dị đoan đã rõ rồi thì cơ quan này sẽ yêu cầu các mạng xã hội, các nền tảng xã hội sẽ phải phát triển công cụ tự rà quét, tự hạ xuống.

“Đây là một bước tiến mới, trước đây là chúng ta phát hiện và yêu cầu họ hạ, còn bây giờ họ phải có trách nhiệm. Mạng xã hội, các nền tảng kinh doanh lợi nhuận rất nhiều thì phải có trách nhiệm làm lành mạnh hoá không gian mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Cùng với đó, Bộ trưởng TT&TT cũng nhấn mạnh giải pháp xử lý mạnh tay đối với các đối tượng mê tín dị đoan, trong đó có biện pháp xử lý từ hành chính đến hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/muon-chuyen-doi-so-bat-buoc-phai-lam-chu-cong-nghe-2341218.html