Sáng nay (25-7), em Lê Trần Hải Long (12 tuổi) nhờ mẹ chở đến Hội trường Thống Nhất, nơi diễn ra lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở TP.HCM. Có cặp vợ chồng cựu chiến binh gần 80 tuổi cũng bắt xe buýt đến viếng Tổng bí thư.
Trong Lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM sáng nay, ghi nhận nhiều câu chuyện xúc động, thể hiện tình cảm to lớn của đồng bào miền Nam với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cậu bé 12 tuổi nhờ mẹ chở đi viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đó là câu chuyện em Lê Trần Hải Long (12 tuổi) một mình vào Hội trường Thống Nhất để xin viếng người lãnh đạo mà hằng ngày em thấy trên tivi. Long kể khi hay tin lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có diễn ra tại TP.HCM, Long đã thuyết phục mẹ chở đến.
Nhà tận Bình Tân, cách Hội trường Thống Nhất 17km, chị Trần Thị Đoan (mẹ của Long) từ 6h sáng đã chở con đi. Đến nơi, chị Đoan để Long tự vào hội trường, còn mình đi làm. Với chiếc áo đen mượn tạm của ông ngoại, Long quét mã VNeID rồi một mình vào nhà chờ để đợi đến lượt viếng.
Long kể, qua báo chí, Long thấy được công lao to lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng Đảng và phát triển đất nước. Mấy ngày nay, Long tìm hiểu địa điểm tổ chức lễ viếng, quy định trang phục rồi thuyết phục mẹ chở đến Hội trường Thống Nhất.
“Em muốn đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Em có một cái áo đen mà có cầu vồng trên áo nên không hợp lắm, nên sáng em chạy qua phòng ông ngoại mượn áo của ông để mặc”, Long chia sẻ.
Chị Đoan cho biết nghỉ hè, ngày nào Long cũng đến thư viện thành phố tìm sách lịch sử Việt Nam để đọc. Long rất yêu thích lịch sử và ngưỡng mộ các lãnh đạo của Việt Nam.
Khi con muốn một mình đến lễ viếng Tổng bí thư, dù rất lo nhưng chị vẫn ủng hộ để con đi, cũng là điều kiện để con cảm nhận, trau dồi tư tưởng đạo đức.
Vợ chồng cựu chiến binh đi xe buýt đến Hội trường Thống Nhất
Câu chuyện vợ chồng cựu chiến binh gần 80 tuổi bắt xe buýt đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng làm xúc động nhiều người.
Từ quận 12, TP.HCM, vợ chồng ông Nguyễn Tống Đồn (79 tuổi), bà Trần Thị Liên (75 tuổi) dậy từ sớm, bắt xe buýt đến Hội trường Thống Nhất với mong muốn được thắp nén hương kính viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Liên từng là nữ thanh niên xung phong, còn ông Đồn là cựu chiến binh tham gia chiến trường Quảng Trị, chiến trường miền Đông Nam Bộ, Hà Giang… Ông Đồn cũng là một trong những chiến sĩ tham gia đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất bây giờ) ngày 30-4-1975.
Vội lau nước mắt vì xúc động, bà Liên cho biết vợ chồng bà chưa từng gặp Tổng bí thư, chỉ thấy qua báo đài nhưng vẫn rất thương quý bác.
Khi nghe tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, “tay chân mình run rẩy và thấy rất buồn”. Mặc cho tuổi cao sức yếu và chồng đang mang trong người di chứng của chất độc hóa học thời chiến tranh, cả hai vẫn quyết tâm đến lễ viếng.
“Bác trai hay nói với con cháu phải học tập tấm gương của bác Trọng về sự giản dị. Thậm chí bác thường mặc những chiếc áo cũ sờn vai, ở căn nhà nhỏ, bình thường.
Hai vợ chồng về hưu được mấy đồng lương mới tích góp cho mình được căn chung cư nhỏ, cứ nghĩ mình khó khăn nhưng thấy sự giản dị của bác, sự nghèo khó của mình cũng chẳng là gì”, bà Liên xúc động nói.
Mặc trên người chiếc áo xanh cựu chiến binh, nửa cuộc đời gắn bó với chiến trường, ông Đồn vẫn cho rằng công lao của mình chưa là gì so với sự lãnh đạo của Đảng, của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Nhà tôi hiện có 3 đứa con, 5 đứa cháu nhỏ. Các cháu nhỏ chưa biết hay hỏi bác Trọng làm gì, ở đâu, tại sao ông bà lại buồn. Tôi mới bảo bác Trọng là người lãnh đạo tuyệt vời, bác được cả nhân dân Việt Nam và thế giới kính trọng, khi bác mất đi ai cũng thương tiếc bác. Các cháu sau này phải tìm hiểu và học tập tấm gương ấy”, ông Đồn chia sẻ.
“Tiếng nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đi cùng chúng ta”
Cầm trên tay cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Hà Minh Hồng – giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM – cho biết đi đâu ông cũng cầm theo sách của Tổng bí thư như một cẩm nang để nhắc nhở bản thân.
Theo ông Hồng, đây chỉ là một trong hơn 40 tác phẩm mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và các tác phẩm đều nói đến số phận con người, xây dựng con người, tình cảm giữa người với người.
“Tiếng nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đi cùng, đồng hành với chúng ta chứ không xa cách”, ông Hồng nói.
PGS.TS Hà Minh Hồng nhìn nhận hơn 40 tác phẩm đã thể hiện rõ được phong cách “nói và làm” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước hết là nhận thức được, nhận thức được thì nói được, nói được thì làm được chứ không phải nói suông.
Những tác phẩm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là những di sản văn hóa, tạo được niềm tin trong nhân dân. Và chính niềm tin của nhân dân phản ánh được sự liêm chính của lãnh đạo.
“Quả thực đội ngũ cán bộ cần liêm chính, chính sự liêm chính mới tạo được sự cảm hóa và có như thế mới gần gũi với nhân dân”, ông Hồng nói.
Người dân vùng cực Nam Tổ quốc xúc động theo dõi lễ Quốc tang
Ngay từ sáng sớm 25-7, các hội viên trong Hội Cựu chiến binh phường 9, TP Cà Mau đã có mặt đông đủ tại nhà đại tá Võ Hà Đô, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau, để cùng theo dõi lễ Quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đại tá Võ Hà Đô xúc động cho biết lúc sinh thời Tổng bí thư có hai lần vào thăm Cà Mau.
Dù ở cương vị nào thì người lãnh đạo ấy vẫn luôn giản dị, gần gũi với nhân dân, luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để rồi có những quyết sách tạo bứt phá cho vùng đất.
“Tôi ghi khắc mãi hình ảnh, công ơn này của Tổng bí thư trong lòng. Hôm nay tôi không thể ra Hà Nội viếng nên cùng các đồng đội ngồi lại xem truyền hình và tưởng nhớ ông”, ông Đô nói.
“Từ khi nghe thông tin Tổng bí thư bệnh nặng và qua đời thì tôi không tài nào ngủ được. Đó là mất mát to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Mấy ngày nay, lúc nào tôi cũng tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng để xem lại những ký ức về Tổng bí thư. Hôm nay, tôi cùng các đồng đội đến đây để tiễn Tổng bí thư một đoạn”, ông Đặng Văn Khởi, chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cà Mau, nói.
Ông Trần Hợp Nhị – chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 9, TP Cà Mau – cho biết: “Tôi ngưỡng mộ ông ở chỗ là người chống tham nhũng, tiêu cực tới cùng, làm việc tới hơi thở cuối cùng. Quá tiếc thương trước một nhân cách lớn đã dành cả một đời tận hiến cho quốc gia, cho dân tộc”.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/muon-ao-den-cua-ngoai-cau-be-12-tuoi-den-vieng-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-tp-hcm-20240725100650569.htm