Khi chiếc máy bay chở 239 người biến mất khỏi màn hình radar vào ngày 8.3.2014, sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh, Grace 26 tuổi và đang học đại học.
Bất chấp cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử hàng không, bao gồm 120.000 km2 đáy biển phía nam Ấn Độ Dương, chỉ có một vài mảnh vỡ của máy bay Boeing 777-200ER được tìm thấy.
Grace đến từ Malaysia, người không muốn giấu danh tính, nói với AFP: “Mỗi năm trôi qua mà không tìm thấy chiếc máy bay là một năm đau khổ chờ đợi”.
Trước lễ tưởng niệm 10 năm thảm họa hàng không diễn ra vào chủ nhật vừa rồi, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim cho biết ông sẵn sàng mở lại cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích nếu xuất hiện bằng chứng “thuyết phục”.
Nỗi đau gấp trăm lần
Con trai 28 tuổi của Liu Shuang Fong, Li Yan Lin, đang trở về Bắc Kinh vì bố mẹ anh muốn giới thiệu anh với một cô dâu tương lai. Anh chưa bao giờ gặp được cô ấy.
Liu, 67 tuổi, trong buổi họp mặt các gia đình nạn nhân ở Malaysia hôm chủ nhật để tưởng niệm 10 năm ngày máy bay mất tích, đã khóc: “Chúng tôi quyết định dời nhà đến một nơi ở mới để xoa dịu cảm xúc của mình”.
“Tôi vẫn có những đêm mất ngủ chờ đợi tiếng gõ cửa của cậu ấy. Tôi nghĩ về con trai mình mỗi ngày”, bà nói.
Đối với những người khác, nỗi đau trong thập kỷ qua còn tồi tệ hơn nhiều lần so với nỗi đau ban đầu của họ.
Jiang Hui, có mẹ trên chuyến bay mất tích, cho biết: “Tôi không dám nghĩ lại chặng đường đến nay đã 10 năm trôi qua. Sự dằn vặt và thiệt hại suốt 10 năm qua, tất cả những thiệt hại đối với người thân đã vượt xa những thiệt hại ban đầu. Không phải tệ hơn hai hay ba lần mà tệ hơn gấp mười đến gấp trăm lần”, ông nói tại Bắc Kinh.
Trong khi đó, người thân của hành khách và phi hành đoàn MH370 đang phải đối mặt với sự không chắc chắn về những gì đã xảy ra với người thân của họ.
Jacquita Gonzales, có chồng là thành viên phi hành đoàn, cho biết cách duy nhất để giải quyết nỗi đau của họ là tìm thấy chiếc máy bay. “Đó là lý do tại sao việc tìm kiếm lại quan trọng”, Gonzales chia sẻ trong buổi tưởng niệm ở Kuala Lumpur và nhấn mạnh: “Đừng để nó mãi là một bí ẩn”.
“Chúng ta cần biết”
Sự biến mất của chiếc máy bay từ lâu đã trở thành chủ đề của nhiều giả thuyết – từ đáng tin cậy đến kỳ quặc – bao gồm cả việc phi công kỳ cựu Zaharie Ahmad Shah là chủ mưu.
Một báo cáo về thảm kịch do Malaysia công bố năm 2018 chỉ ra những sai sót của cơ quan kiểm soát không lưu và cho biết hành trình của máy bay đã được thay đổi thủ công nhưng không đưa ra kết luận chắc chắn nào.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke khẳng định ông sẽ gặp các quan chức của công ty thám hiểm đại dương Ocean Infinity có trụ sở tại Mỹ để thảo luận về khả năng nối lại cuộc tìm kiếm.
Ocean Infinity đã thực hiện một cuộc tìm kiếm không thành công vào năm 2018 sau khi chiến dịch quy mô lớn do Úc dẫn đầu cũng không thể xác định được vị trí của máy bay sau gần ba năm. Cuộc tìm kiếm đó đã bị đình chỉ vào tháng 1.2017.
Blaine Gibson, thợ săn xác tàu người Mỹ và cựu luật sư, người đã tìm thấy các mảnh vỡ được cho là của MH370, cho biết việc tìm ra “sự thật” về những gì đã xảy ra sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho các gia đình mà còn cho cả công chúng.
“Tất cả chúng ta cần biết khi lên máy bay, chúng ta sẽ không biến mất”, ông nói. “Malaysia cũng cần câu trả lời. Họ cần phải tìm ra chiếc máy bay và đặt tất cả lại phía sau rồi đi tiếp”.
Muốn mẹ tự hào
Trong một thời gian dài, Grace quyết tâm làm cho mẹ cô là Anne Daisy, người 56 tuổi khi lên chuyến bay, tự hào nếu bà quay trở lại một cách kỳ diệu.
Cô đứng đầu lớp luật ở Anh, trở thành luật sư ở Kuala Lumpur, kết hôn và có con.
Grace, hiện 36 tuổi và là người phát ngôn của thân nhân các nạn nhân MH370, cho biết vụ việc đã trở thành một phần danh tính của cô, điều mà cô khó có thể từ bỏ.
“Mọi người luôn nhận ra tôi là cô gái có mẹ trên máy bay. Tôi đã phải làm việc rất chăm chỉ để trở thành một luật sư theo đúng nghĩa của mình… với tư cách là một cá nhân và tách biệt khỏi MH370”.