Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Những loại rau củ giàu dinh dưỡng; Lọc mỡ máu có ngừa được đột quỵ?; Lỗi sau khi tắm trong mùa lạnh, bạn cần tránh!…
Có nên dùng muối hồng thay thế muối trắng?
Thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Thị Ngọc Lan (Phòng khám Tư vấn dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) cho biết: muối hồng là một loại muối tự nhiên được khai thác ở dãy Himalaya. Muối này có màu hồng do chứa các khoáng chất khác nhau, bao gồm natri, canxi, kali, magie, iod, sắt, kẽm. Muối hồng được cho là giúp làm sạch không khí, làm đẹp da, giảm huyết áp. Tuy nhiên, các lợi ích này vẫn chưa được khoa học chứng minh.
Muối hồng được biết đến có hàm lượng natri thấp hơn muối ăn thông thường, vì vậy hiện nay có nhiều người sử dụng muối hồng nhằm mục đích cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy, với mỗi 1g muối lượng natri trong muối hồng ít hơn trong muối ăn 64 mg không đủ để cải thiện tình trạng huyết áp của người dùng. Bên cạnh đó, có báo cáo ghi nhận một số sản phẩm muối hồng có mặt trên thị trường có chứa hàm lượng chì vượt quá ngưỡng an toàn cho phép.
Muối hồng là một loại muối tự nhiên có một số lợi ích sức khỏe tiềm năng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng muối hồng vẫn chứa nhiều natri và giá thành cao, có thể gấp 30 lần muối thông thường. Nghiên cứu chưa chỉ ra rằng muối Himalaya có bất kỳ lợi ích sức khỏe đặc biệt nào so với các loại muối ăn khác. Sự độc đáo của nó đến từ màu sắc và hương vị. Bạn nên tuân theo khuyến cáo sức khỏe về lượng muối tiêu thụ mỗi ngày dưới 5g (1 thìa cà phê), sử dụng muối hồng một cách an toàn, sản phẩm rõ nguồn gốc và cần có một chế độ ăn uống khoa học cân bằng. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 31.1.
Những loại rau củ giàu dinh dưỡng
Cà rốt, bông cải xanh, tỏi… được xếp vào nhóm rau củ giàu dinh dưỡng nhất.
Rau củ là thực phẩm bắt buộc phải có trong chế độ ăn uống lành mạnh. Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
Dưới đây là một số loại rau củ giàu dinh dưỡng nhất.
1. Cà rốt. Cà rốt chứa nhiều vitamin A, vitamin C và kali. Cà rốt cũng chứa beta-carotene, chất chống oxy hóa được cơ thể chuyển đổi thành thành vitamin A.
Một nghiên cứu trên 57.000 người cho thấy việc ăn ít nhất từ 2 đến 4 củ cà rốt mỗi tuần sẽ giảm 17% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng về lâu dài. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy cà rốt có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.
2. Bông cải xanh. Bông cải xanh chứa nhiều vitamin K, vitamin C, folate, mangan và kali.
Bông cải xanh rất giàu hợp chất thực vật glucosinolate và sulforaphane, có thể giúp chống lại bệnh ung thư, cũng như giảm chứng viêm liên quan các bệnh mãn tính.
3. Tỏi. Một tép tỏi chỉ có khoảng 4,5 calories. Tỏi còn chứa các chất như selen, vitamin C, vitamin B6 và chất xơ.
Tỏi cũng được sử dụng làm thuốc trong nhiều nền y học. Hợp chất allicin trong tỏi được chứng minh là có tác dụng điều chỉnh lượng đường trong máu và cải thiện sức khỏe tim mạch. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 31.1.
Lọc mỡ máu có ngừa được đột quỵ?
Lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, được chỉ định trong những trường hợp cần thiết, không phải là dịch vụ giúp ngừa đột quỵ.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết thông tin về việc lọc mỡ máu để phòng ngừa đột quỵ là không chính xác. Theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy, tức là được chỉ định ở các trường hợp bệnh nặng, đe dọa tính mạng người bệnh và được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt.
“Bởi đây là một kỹ thuật chuyên sâu, phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên ngành cùng trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện lọc mỡ máu cũng tiềm ẩn nguy cơ tai biến nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, không có chuyện lọc máu để ngăn ngừa mỡ máu lâu dài hay phòng ngừa đột quỵ”, bác sĩ Lịch cho hay.
Theo bác sĩ Lịch, trong các nguyên nhân gây đột quỵ, bên cạnh những yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình… thì các yếu tố bệnh lý cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm bệnh đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu, thừa cân, béo phì, lối sống không lành mạnh (nghiện thuốc lá, rượu bia…). Trong đó, cao huyết áp là bệnh lý nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!