Tại buổi cà phê sáng 4/12 với Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đại diện một doanh nghiệp cho biết, Bạc Liêu có nhiều sản phẩm nổi tiếng, trong đó có muối. Tỉnh này cũng là một trong những tỉnh có sản lượng muối lớn của cả nước.
Tuy nhiên, thời gian qua việc sản xuất muối tại Bạc Liêu còn nhiều khó khăn, dẫn đến diêm dân làm muối ra nhiều nhưng bán với giá thấp, có khi chỉ vài trăm đồng/kg, lợi nhuận chưa tương xứng với công sức của họ.
“Năm 2023, doanh nghiệp thu mua muối để làm nước mắm nhưng sản lượng cũng chưa đến 30%”, đại diện doanh nghiệp lo lắng cho nghề muối của tỉnh.
Chia sẻ với doanh nghiệp và người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, muối Bạc Liêu nổi tiếng hơn 200 năm nay. Diêm dân phải chịu cực khổ, khó khăn lắm mới làm muối được.
Muối là một nhu cầu lớn của cả nước cũng như thế giới. Ông Thiều dẫn chứng, nhiều lần Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có gửi cho ông thông tin, hình ảnh nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài biết và thích muối Bạc Liêu.
Riêng nghề làm muối Bạc Liêu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, Chủ tịch Bạc Liêu nhìn nhận, thời gian qua ngành nông nghiệp chủ yếu chú trọng gạo và tôm mà chưa quan tâm nhiều đến muối.
“Diêm dân phải tự bơi cả về cơ sở hạ tầng, sản xuất, làm thương hiệu. Thật sự tỉnh chưa phát huy được nghề muối, diêm dân chưa sống được từ muối”, Chủ tịch Bạc Liêu nói.
Ông Thiều chia sẻ, nghề muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đã khác xa ngày xưa nên việc làm muối cũng gặp nhiều khó khăn.
“Trước đây cuối tháng 11 là dứt mưa nhưng hiện nay Tết cũng mưa, qua Tết cũng mưa, mưa nhiều hơn nắng. Muối truyền thống làm trời nắng chứ mưa rồi thì coi như thua.
Năm rồi mưa, nắng bất thường, đang nắng mà mưa 1-2 trận thì muối tan hết. Diêm dân sống nghề muối không được, nhiều người chuyển sang làm nghề khác, cho thấy nghề muối chưa được trân trọng”, Chủ tịch Bạc Liêu trăn trở.
Nói về hướng phát triển sắp tới, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu cho hay, trong quy hoạch tỉnh giữ lại hơn 1.650ha đất để phát triển nghề muối. Nếu tỉnh không bảo tồn, bảo vệ, động viên diêm dân tích cực làm muối thì vài nhiệm kỳ nữa không ai làm muối cả.
Bạc Liêu sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Festival muối trong năm 2024 để vinh danh, phát huy nghề muối. Bộ cũng cấp 130 tỷ đồng để tỉnh đầu tư khai thác hạ tầng muối trước mắt ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải), nơi được xem là thủ phủ của muối Bạc Liêu.
“Chúng ta lấy lại hình ảnh muối Bạc Liêu ngoài quy hoạch diện tích, vận động diêm dân tích cực tham gia nghề muối, tỉnh có chính sách đầu tư, xây dựng thương hiệu với nhiều sản phẩm từ muối Bạc Liêu thì diêm dân mới sống được”, Chủ tịch Bạc Liêu nhấn mạnh.