Từ ngày 1/7/2023, những người là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được hưởng mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ.
Như vậy là sau 4 năm kể từ ngày 1/7/2019 áp dụng mức lương cơ sở là 1,490 triệu đồng, đến nay mức lương cơ sở đã chính thức được tăng thêm 310.000đ (tăng 20,8%) cho các đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước. Được tăng lương, dù ít hay nhiều vì còn phụ thuộc vào ngạch, bậc, hệ số, phụ cấp chức vụ… nhưng hầu hết mọi người đều vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và những thành tựu mới về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cùng với khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước cho việc tăng lương. Những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và nhiều khó khăn cho nền kinh tế đã được giải quyết, đẩy lùi để từ hôm nay, mỗi tháng, trong tài khoản của từng cá nhân sẽ có thêm một số tiền nhất định chi tiêu phục vụ cho cuộc sống…
Tuy vậy, bên cạnh niềm vui được tăng lương rất nhiều người vẫn đang canh cánh trong lòng nỗi lo hàng hóa tăng giá vì tăng lương mà giá tiêu dùng “leo thang” thì chẳng có ý nghĩa gì. Điều này dường như đã thành quy luật qua nhiều lần tăng mức lương cơ sở của những năm trước là khi lương tăng thì giá tăng. Chỉ cần nghe nói sẽ tăng lương là giá cả của nhiều loại hàng hóa đã bắt đầu rục rịch tăng trước thời điểm. Thực tế lâu nay vẫn nghe câu nói đến xót xa là: “Giá ơi! Chờ lương với” để phản ánh một thực trạng không vui về mối quan hệ giữa tiền lương và giá cả.
Năm nay, tình trạng tăng giá của nhiều loại hàng hóa cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chỉ có những người trực tiếp đi mua sắm hàng ngày mới cảm nhận được trước thời điểm tăng lương (1/7), giá cả một số hàng hóa thiết yếu như: gạo, thịt lợn, dầu ăn… đã có sự nhích lên ít, nhiều.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Giá một số loại hàng hóa như lương thực, thực phẩm tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng… Mức lạm phát cơ bản cũng theo Tổng cục Thống kê 5 tháng đầu năm 2023 tăng 4,83%.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, theo báo cáo của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ chung trong tháng 6/2023 ghi nhận tăng 0,26% so với tháng trước; so với tháng 12/2022, CPI tăng 0,53% và so với cùng tháng 6/2022 tăng 1,95%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng….
Như vậy là cả trên thực tế thị trường và số liệu của cơ quan chức năng, chưa đến thời điểm tăng lương mà giá cả hàng hóa đã có sự tăng lên.
Dự báo sau thời điểm 1/7, giá cả hàng hóa có thể sẽ tiếp tục tăng lên. Bởi vì tình hình kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2023 trong nước và khu vực còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tăng, giá nguyên vật liệu như xăng, dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh.
Nhiều mặt hàng thuộc các nhóm như: lương thực, thực phẩm, giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch, điện, nước sinh hoạt… cũng tăng làm cho niềm vui tăng lương chưa được trọn vẹn trước nỗi lo tăng giá. Nếu như tăng lương mà giá cả hàng hóa cũng tăng, thậm chí còn tăng hơn cộng với lạm phát tăng làm cho đồng lương thực tế của người được hưởng lương sẽ giảm xuống.
Đối tượng tăng lương lần này là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương. Từ đồng lương, hàng trăm, hàng nghìn thứ… phải chi tiêu phục vụ cuộc sống cho bản thân và gia đình. Tiền lương danh nghĩa tăng mà lương thực tế giảm thì đời sống của những người được hưởng mức lương cơ sở mới theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ đợt này vẫn còn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn. Điều đáng mừng là trong đợt tăng lương này, Đảng, Nhà nước đã có những biện pháp kiểm soát, điều hành giá.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc chiều 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật giá (sửa đổi) trong đó có các giải pháp kiểm soát giá thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yêu, kê khai giá… nhằm mục đích là kiểm soát giá. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết đưa ra yêu cầu kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI. Tới đây, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện Luật giá (sửa đổi), trong đó có các mặt hàng phải kê khai giá và kiểm soát việc kê khai giá trên thị trường. Các cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra và giám sát kê khai giá, đảm bảo cho thị trường hoạt động bình thường, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì CPI và mức lạm phát trong giới hạn quy định cho phép, đặc biệt là trong bối cảnh sau tăng mức lương cơ sở để không còn tình trạng lương tăng không kịp với giá tăng.
Cũng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương và báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào kỳ họp tới. Điều mong mỏi của rất nhiều người bây giờ là Đảng, Nhà nước sớm triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/ TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Hy vọng sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật, giá cả hàng hóa sẽ được kiểm soát; tiền lương của những người được hưởng lương sẽ thực sự là nguồn thu nhập chính đảm bảo đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
Nguyễn Đông