Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thì nhiều người lại lo lắng, bởi trước mỗi lần tăng lương, giá cả thị trường lại “ăn theo”, thiết lập một mặt bằng giá mới theo chiều hướng tăng.
Giá cả hàng hóa thiết yếu, thực phẩm thường tăng theo sau mỗi đợt tăng lương. Ảnh minh họa: T.Q
Lương tăng không kịp giá
Có thể thấy, mức tăng lương tháng 7 tới đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xuyên suốt 3 năm không điều chỉnh tăng mức lương cơ sở làm cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng nhiều. Do đó, quyết định tăng lương cơ sở trong thời điểm này là hợp lý, có ý nghĩa trước tình hình giá cả tăng nhanh nhưng xuống chậm như hiện nay. Đây cũng là tiền đề để cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc, chảy máu “chất xám”.
Chị T.T – giáo viên tiểu học ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), cho biết: “Thông tin tháng 7/2023 được tăng lương khiến chúng tôi rất vui vì có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Hiện tổng thu nhập gồm lương giáo viên của tôi và lương công chức của chồng được gần 14 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, chúng tôi phải sống tiện tặn lắm mới không bị thiếu hụt, vì ngoài tiền ăn, còn tiền học phí của con, tiền điện nước, sinh hoạt…”.
Cùng hoàn cảnh, anh T. (Phường 5, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi làm công chức gần 10 năm, hiện lương và phụ cấp tổng cộng hơn 8 triệu đồng/tháng. Do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng tôi còn ở trọ với giá 2 triệu đồng/tháng. Từ sau tết Nguyên đán tới nay, nhiều mặt hàng đều tăng giá, từ ly cà phê đến dĩa cơm bình dân…, nên chi xài phải tiết kiệm tối đa. Nay sắp tăng lương, cũng hy vọng giá cả thị trường không tăng nhiều để cuộc sống công chức dễ thở hơn”.
Vật giá tăng khiến cuộc sống lao động nghèo thêm gánh nặng.
Tăng lương đừng để tăng lo!
Những người có mức lương, thu nhập ổn định còn chật vật trong “bão” giá, huống hồ chi lao động tự do công việc bấp bênh, thu nhập thấp, đang phải thuê nhà trọ… Việc giá cả leo thang càng khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn bội phần, nhiều người phải thắt chặt mọi chi tiêu, tiết kiệm tối đa để không lâm vào cảnh “thiếu trước hụt sau”.
Như trường hợp của bà Ngọc Trinh (Phường 1, TP. Bạc Liêu), mặc dù vợ chồng đều có thu nhập mỗi ngày, song với mức tiền công phụ việc nhà, bưng bê cho quán ăn chẳng là bao, trong khi phải nuôi 2 con đang trong độ tuổi ăn học nên gia đình không có khoản tích lũy. Cuộc sống của những lao động nghèo làm ngày nào ăn ngày nấy như bà Trinh hiện còn rất nhiều. Dù tất bật, vất vả mưu sinh nhưng đồng tiền làm ra không theo kịp giá khiến cuộc sống của họ càng thêm oằn nặng lo toan. Nhất là mới đây, vin theo giá điện, giá gas, xăng dầu… kéo nhau tăng, mấy ngày qua nhiều quán ăn, uống cũng đã tự tăng giá 5 – 10%.
Để tránh điệp khúc “lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng”, Chính phủ đã có nhiều giải pháp như hoãn, giảm thuế, phí… để ngăn chặn đà tăng giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu với đời sống. Nếu tăng lương mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo thì đời sống của người hưởng lương cũng như người lao động nghèo không được cải thiện. Vì vậy, để việc tăng lương thật sự là niềm vui trọn vẹn, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp bình ổn giá, không để giá tăng bất hợp lý sau mỗi lần tăng lương như đã từng xảy ra trước đây.
Minh Luân