TP HCMAnh Dũng, 35 tuổi, mắc bệnh tiểu đường 4 năm, nổi mụn nhọt ở lưng biến thành ổ viêm nhiễm, hoại tử.
Anh Dũng mắc bệnh tiểu đường hơn 4 năm, từng nhiều lần nhập viện do tăng đường huyết kèm nhiễm ceton (tăng axit trong máu).
Lần này anh vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu trong tình trạng sốt, mệt, đau nhức nhiều ở lưng. Ổ viêm trên lưng đường kính 20 cm, to như quả cam, rỉ mủ kèm máu, vùng da xung quanh chuyển màu đỏ tím.
Một tuần trước nhập viện, ổ viêm ban đầu là mụn nhọt bằng hạt đậu phộng. Anh uống kháng sinh, tự bôi thuốc, sau đó mụn sưng đỏ gây đau, sốt. Kết quả xét nghiệm khi nhập viện cho thấy đường huyết 400 mg/dL (người bình thường là 70 – 100 mg/dL), định lượng ceton trong máu cao 2,94 mmol/L (chỉ số bình thường 0,03 – 0,3 mmol/L).
BS.CKII Đinh Thị Thảo Mai, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, cho biết anh Dũng bị bệnh tiểu đường, áp xe lưng, nhiễm trùng da, tăng đường huyết, nhiễm toan ceton (tăng axit trong máu). Nếu không điều trị, vị trí nhiễm trùng của người bệnh có thể hoại tử, lan rộng đến khoang ngực và các mô xung quanh, dẫn đến nhiễm trùng máu, suy đa tạng. Tình trạng nhiễm toan ceton nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hôn mê và dễ tử vong.
Anh Dũng được truyền dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh. Bác sĩ dẫn lưu mủ ở ổ viêm ra ngoài, loại bỏ mô hoại tử, tránh lan rộng khắp lưng. Sau hai ngày, đường huyết ổn định, vết thương bớt sưng đau, người bệnh được đặt máy hút áp lực âm giúp vết thương nhanh lành.
Áp xe lưng là tình trạng nhiễm trùng có thể gây nhiễm trùng huyết, rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Sức đề kháng kém, đường huyết cao ở người bệnh tiểu đường là điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng da, cơ, loét chân, nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ Mai cho biết ngoài nhiễm trùng mô mềm, người bệnh tiểu đường dễ bị biến chứng loét bàn chân với tỷ lệ mắc mới hàng năm khoảng 2%. Tỷ lệ đoạn chi do loét chân trên bệnh nhân tiểu đường là 60%, tỷ lệ tử vong sau 5 năm ở bệnh nhân tiểu đường có đoạn chi là 50-60%.
Người bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường huyết tốt, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên ăn ít tinh bột, hạn chế đồ ngọt, đường, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, không uống bia rượu, hút thuốc lá.
Ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Người bệnh tiểu đường cần đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, làm xét nghiệm HbA1c (đánh giá chỉ số xét nghiệm đường huyết trong ba tháng) ít nhất hai lần mỗi năm.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết – đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |