Ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/3021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP, Chính phủ đã có sửa đổi quan trọng là tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên mức 500.000 đồng/tháng từ ngày 1/7.
Với việc mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng gần 39%, mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội cũng sẽ tăng tương ứng từ kỳ chi trả tháng 7.
Nhờ đó, mức trợ giúp xã hội cao nhất dành cho người cao tuổi (thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng) lên đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có khoảng 3,7 triệu người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với mức chi khoảng 28.000 tỷ đồng/năm.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá tác động của chính sách trợ giúp xã hội đến đối tượng hưởng lợi rất tích cực. Mức trợ giúp xã hội liên tục được điều chỉnh tăng lên.
Mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng, đến năm 2006 tăng lên 65.000 đồng, đến năm 2007 tăng lên 120.000 đồng, năm 2010 tăng lên 180.000 đồng và đến năm 2013 là 270.000 đồng và lên mức 360.000 đồng năm 2021. Mức tăng lên 500.000 đồng từ ngày 1/7/2024 là lần thứ 6 Chính phủ điều chỉnh tăng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chế độ chính sách điều chỉnh kịp thời đã góp phần ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, giúp họ tăng thêm vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/muc-tro-giup-xa-hoi-hang-thang-tang-39-cao-nhat-15-trieu-dong-20240708113853778.htm