Ngày 31.10, ông Hà Sỹ Đồng – đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị – cho biết, tỉnh Quảng Trị có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo với điện gió và điện LNG. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện đang gặp một số khó khăn, khiến không chỉ Quảng Trị mà khắp cả nước khó hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, Quy hoạch điện VIII ban hành đặt ra mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng, cũng như mở ra tương lai cho năng lượng tái tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong cơ cấu nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030 (định hướng đến 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%) thì liệu có khả thi?
Đại biểu Hà Sỹ Đồng chỉ ra, trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, nguồn điện LNG đóng vai trò rất lớn trong Quy hoạch điện VIII nhờ tính chủ động và linh hoạt trong vận hành; khả năng giảm phát thải CO2 và các chất ô nhiễm khác.
Cả nước hiện có 13 dự án điện LNG đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó mới chỉ có 5 dự án đang triển khai nhưng vẫn chưa ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN. Việc triển khai hạ tầng dự án điện LNG hiện rất khó khăn, tiến độ đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện loại này khá dài (8 – 10 năm).
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có khung giá điện LNG, chưa có cơ chế chuyển tiếp ngang giá nhiên liệu LNG sang giá điện…. thì việc đạt quy mô phát triển tới 22.400MW các dự án điện LNG từ nay đến 2030 là điều không thể.
Về quy mô điện gió đến năm 2030 lên tới 27.880 MW cũng sẽ là thách thức rất lớn, khi hiện nay mới có tổng cộng hơn 4.185 MW đã đưa vào vận hành (điện gió ngoài khơi chưa có dự án nào, trong khi phát triển một dự án điện gió ngoài khơi mất từ 7-10 năm). Ngoài ra, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân dử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu cũng rất khó vì chưa có chính sách rõ ràng, hấp dẫn.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, để thực hiện Quy hoạch điện VIII cần nhu cầu vốn đầu tư trung bình 13,5 tỉ USD/năm, trong đó 12 tỉ USD cho nguồn và 1,5 tỉ USD cho lưới điện trong bối cảnh EVN và các công ty nhà đầu tư khác gặp khó khăn trong huy động vốn cho những công trình lớn. Các ngân hàng trong nước cũng đã vượt mức tín dụng cho các dự án điện.
Thời gian còn lại để triển khai Quy hoạch điện VIII không nhiều, tính đến năm 2030 chỉ còn hơn 6 năm. Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đạt mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết 55/NQ-TW đề ra thì có cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật hiện hành.