Chia sẻ với báo chí về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar cho rằng chuyến sẽ là dấu mốc quan trọng mở ra một tương lai đầy hứa hẹn trong hợp tác song phương thời gian tới.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Vương quốc Hà Lan tháng 12/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Thúc đẩy hợp tác công nghệ cao, chuyển đổi số
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Hà Lan. Trước chuyến thăm Việt Nam lần này, ông đã 2 lần thăm chính thức Việt Nam vào tháng 6/2014 và tháng 4/2019.
“Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước trong bối cảnh Việt Nam và Hà Lan đang kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao”, Đại sứ Kees van Baar nhấn mạnh.
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Baar. (Ảnh: Thu Trang) |
Theo Đại sứ Kees van Baar, chuyến thăm này là sự khẳng định mối quan hệ rất tốt đẹp giữa hai quốc gia khi Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vào khoảng 13,7 tỷ USD và là nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn nhất tại châu Âu với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 11 tỷ USD.
Đại sứ Kees van Baar cho biết, trọng tâm chính trong chuyến thăm lần này là thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển đổi số.
Trước đó, trong chuyến thăm tới Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng đã tới thăm Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), thành phố Eindhoven, nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Hà Lan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng một Brainport tại Hà Nội theo mô hình Brainport tại Eindhoven. Điều này cho thấy Việt Nam rất quan tâm và chú trọng tới phát triển công nghệ cao.
Ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam hiện nay đang có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển. Các tập đoàn công nghệ cao như Samsung, LG, Foxconn và Intel đang đổ hàng tỉ USD vào ngành công nghiệp của Việt Nam.
Tiếp đà thúc đẩy đó, theo Đại sứ Kees van Baar, trong chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan tới Việt Nam lần này, Thủ tướng Mark Rutte có cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, cũng như đại diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu tới từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc nhằm thảo luận về tiềm năng và các cơ hội phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Đồng lòng tìm lời giải cho bài toán chung
Đại sứ Hà Lan cho biết thêm rằng bên cạnh hợp tác về công nghệ, tăng cường hợp tác về nước, nông nghiệp và biến đối khí hậu cũng là trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Mark Rutte.
Việt Nam và Hà Lan đã ký kết hai hợp tác chiến lược: Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Biến đổi khí hậu và quản lý nước năm 2010; Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực năm 2014.
Đại sứ Kees van Baar nhấn mạnh, Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm chung. Cả hai nước đều có nền kinh tế dựa vào thương mại và đầu tư quốc tế, có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đều đối mặt với các thách thức về nước và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, và ngành nông nghiệp hai nước đều có định hướng xuất khẩu.
Liên quan tới hợp tác đa phương, Đại sứ Kees van Baar cho rằng, cả hai nước đều hưởng lợi từ pháp quyền quốc tế và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy pháp quyền quốc tế.
Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan sẽ tham dự sự kiện hội thảo bàn tròn về chủ đề “Luật pháp quốc tế và trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Học viện Clingendael (Hà Lan) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đồng tổ chức.
Hợp tác hai nước không chỉ dừng lại ở cấp độ chính phủ, mà mối quan hệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội của hai nước cũng rất chặt chẽ và sâu sắc.
Thêm vào đó, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước đã nảy nở và phát triển tốt đẹp từ trước khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, khi những đội thương thuyền đầu tiên của Hà Lan cập cảng Hội An vào đầu thế kỷ 17 từ hơn 400 năm trước.
“Do vậy, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tới Việt Nam là sự khẳng định cho mối quan hệ rất tốt đẹp và bền chặt giữa hai quốc gia”, Đại sứ Kees van Baar đúc kết lại.