ĐHĐCĐ Chứng khoán BIDV: Mục tiêu lợi nhuận 550 tỷ đồng, cổ tức duy trì tỷ lệ 10%
ĐHĐCĐ đã thông qua mức cổ tức năm 2023 là 10%, bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả dự kiến năm tới cũng là 10%.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 thông qua kế hoạch kinh doanh tăng trưởng lợi nhuận 8% |
Lợi nhuận năm 2023 gấp 3,4 lần năm 2022, cổ tức 10% bằng cổ phiếu
Sáng ngày 23/4/2024 tại Hà Nội, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Báo cáo tại Đại hội về tình hình kinh doanh năm 2023, lãnh đạo công ty cho biết năm 2023 của BSC vẫn ghi nhận kết quả ấn tượng dù bối cảnh thị trường diễn biến không mấy thuận lợi, thanh khoản thị trường chỉ đạt bình quân 17.641 tỷ đồng/phiên, giảm 13% so với năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế đạt 509 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2022, ROA đạt 5,9% và ROE đạt 9,0%. Các mảng hoạt động kinh doanh nhìn chung đều tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, hoạt động môi giới chứng khoán tăng trưởng tích cực với lợi nhuận môi giới và cho vay margin đạt 496.9 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm 61% tổng lợi nhuận. Hoạt động tự doanh có kết quả ấn tượng với lợi nhuận đạt 328,4 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần mức thực hiện năm 2022, đóng góp 41% trong cơ cấu lợi nhuận.
Tổng tài sản của BSC đạt 8.326 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng được duy trì ở mức cao là 820%, thuộc nhóm tốt theo quy định của UBCKNN.
Theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 đã trình và được cổ đông thông qua, BSC sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10:1. Quy mô vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng từ 2.028 tỷ đồng lên 2.230,6 tỷ đồng.
Dựa trên kế hoạch kinh doanh năm 2024, HĐQT BSC đề xuất kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024 với tỷ lệ chi trả dự kiến là 10%/mệnh giá cổ phiếu, hình thức chi trả bằng tiền mặt và/hoặc bằng cổ phiếu.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về quyết định chi trả cổ tức năm 2023 là 10%, ông Ngô Văn Dũng cho biết tỷ lệ chi trả đã được cân nhắc để phù hợp chung với tình hình thị trường, điều kiện của các công ty có điều kiện tương đồng; cũng như cân nhắc tính thời điểm để tập trung vốn cho kinh doanh.
“Quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu thực chất cũng là một áp lực cho công ty để có thể đảm bảo tính hiệu quả cũng như duy trì cổ tức các năm sau. Ở một thời điểm phù hợp, chúng tôi sẽ chia phần cổ tức để các cổ đông thấy rằng quyền lợi được đảm bảo”, ông Dũng khẳng định tại Đại hội.
Về câu chuyện cổ tức, ông Nguyễn Duy Viễn cũng nhắc lại thêm rằng quyền lợi của cổ đông bên cạnh cổ tức còn đến từ thay đổi giá cổ phiếu. Quyết định chi trả cổ tức phụ thuộc nhu cầu vốn của công ty, tình hình thị trường. Dù trong năm vừa qua, kết quả kinh doanh lành mạnh và tốt, quy mô vốn của BSC vẫn chưa lớn, cần tích luỹ thêm vốn để hoạt động kinh doanh.
Quý I hoàn thành 31% mục tiêu năm, sẽ không chủ quan các tháng tới
Tại Đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 550 tỷ đồng, tăng 8% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Trên cơ sở đánh giá triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024, BSC đặt mục tiêu phát triển đồng đều tất cả các mảng kinh doanh cốt lõi, cải tiến công nghệ và sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo hoạt động diễn ra an toàn, hiệu quả,…
Theo báo cáo tài chính công bố gần đây, tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của BSC đạt mức hơn 10.564 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 5.499 tỷ, tăng lần lượt 27% và 28% so với cuối năm 2023. Doanh thu hoạt động quý I/2024 đạt 351,7 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế ghi nhận 171,6 tỷ đồng, hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Duy Viễn, thông thường kết quả kinh doanh quý đầu năm chỉ đạt 20%. Dù vậy, ông Viễn cũng dự báo các tháng tới vẫn còn rất khó khăn, do đó sẽ không vì đã hoàn thành 31% mà chủ quan. Hội đồng quản trị, ban điều hành cũng cán bộ nhân viên BSC sẽ nỗ lực trong các tháng còn lại.
Dự báo năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Rủi ro địa chính trị, chiến tranh tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam với vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, dựa nhiều vào xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng.
Cũng tại Đại hội, ĐHĐCĐ nhất trí bầu bà Hoàng Thị Minh Ngọc là thành viên HĐQT BSC nhiệm kỳ 2021-2026 thay cho bà Nguyễn Thanh Huyền. Các nội dung khác cũng được ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua với tỷ lệ nhất trí cao.