Lạm phát ‘xuống thang’, Fed giảm lãi suất? Áp lực lạm phát lớn nhưng vẫn có thể kiểm soát dưới 4,5% |
CPI 9 tháng tăng 3,88%
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 diễn ra vào sáng 6/10, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước (Ảnh: ST) |
Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Tháng 9/2024, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong tháng 9 có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giáo dục tăng 2,09%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33%. Nguyên nhân được Tổng cục Thống kê nhận định, do một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024-2025 ở một số trường dân lập, tư thục các cấp và các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học để đảm bảo thu chi thường xuyên.
“Bên cạnh đó, tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng, giá sản phẩm từ giấy tăng 0,61%; giá bút viết tăng 0,4%; giá văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,35%” – đại diện Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,52%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm khi vào năm học mới tăng.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% do chi phí nhân công và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng khi mưa lũ ngập lụt tại nhiều địa phương. Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,09%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% do thời tiết mưa bão, giao mùa nên nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03% do nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí nhân công tăng.
Tháng 9/2024 cũng ghi nhận 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% do nhu cầu du lịch không còn cao như những tháng cao điểm, nên các công ty du lịch thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu. Cùng với đó, nhóm giao thông giảm 2,77% góp phần giảm CPI chung 0,27 điểm phần trăm, chủ yếu do: Giá dầu diezen giảm 8,41%; giá xăng trong nước giảm 6,86% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 14,66%…
Theo bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê: CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
Lạm phát có dấu hiệu “hạ nhiệt” nhưng không thể chủ quan (Ảnh: NH) |
Khả thi với mục tiêu kiểm soát lạm phát?
Bình luận về mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4-4,5% trong năm 2024 như mục tiêu Quốc hội đề ra, bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng: Đi ngược với xu hướng của năm 2023, lạm phát những tháng gần đây lại có xu hướng giảm so với những tháng trước đó.
Cụ thể, bà Nguyễn Thu Oanh cho hay: Nếu như vào tháng 6/2024, khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế – xã hội, lạm phát đã trên 4%, nhiều lo ngại cho rằng năm nay lạm phát liệu có đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra không? Tuy nhiên, 9 tháng năm nay, lạm phát lại chỉ tăng 3,88%, với chỉ số này, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, hoàn toàn yên tâm về kiểm soát lạm phát đạt được mục tiêu đề ra.
Trong đó, nguyên nhân khiến Việt Nam kiểm soát lạm phát trong 9 tháng đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Khách quan là do “hạ nhiệt” của lạm phát thế giới đã tác động đến Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đang tiến tới mục tiêu kiểm soát lạm phát xuống 2%, lạm phát thế giới hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt kênh nhâp khẩu lạm phát. Trong khi đó, trong nước Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ kiểm soát lạm phát.
Mặc dù 9 tháng năm 2024, lạm phát mới đạt 3,88%, dư địa lạm phát vẫn còn nhiều nhưng theo bà Nguyễn Thu Oanh, nếu không có sự kiểm soát tốt trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025.
Theo đó, để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra, Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, trong bối cảnh bão Yagi gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống nhân dân, tại một số nơi có những thời điểm khan hiếm các mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm dẫn đến tăng giá cục bộ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giá cả hàng hóa nhanh chóng theo xu hướng trở về mức trước bão.
Nguồn: https://congthuong.vn/muc-tieu-kiem-soat-lam-phat-kha-thi-nhung-van-can-can-trong-350580.html