Để thực hiện mục tiêu phát triển trồng sâm dưới tán rừng của Lai Châu từ nay đến năm 2030, ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, tỉnh Lai Châu, cho biết: Hiện nay, các huyện, thành phố lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 cấp huyện. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tổng hợp danh mục dự án, công trình phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2024, trong đó có quy hoạch diện tích để thực hiện các dự án trồng sâm.
Song song với đó, Sở TN&MT đã đôn đốc UBND các huyện, lập phương án sử dụng đất của BQL rừng phòng hộ, tiến hành rà soát lại hiện trạng diện tích đất có rừng, điều chỉnh diện tích giao đất, giao rừng cho các BQL rừng phòng hộ để có cơ sở cho thuê dịch vụ môi trường rừng kết hợp trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng (đặc biệt là cây sâm Lai Châu).
Đối với những khu vực đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, các cá nhân thì những nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất để thực hiện phát triển trồng sâm tại Lai Châu có thể thực hiện thuê đất theo hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đối với các đơn vị đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013 và Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, ngày 18/12/2020 của Chính phủ hoặc thực hiện liên kết với các hộ gia đình có đất để trồng Sâm.
Đối với những khu vực đã được giao đất cho BQL rừng phòng hộ thì nhà đầu tư thực hiện thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng và phát triển các dự án trồng sâm dưới tán rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính.
Riêng các công trình phụ trợ (trụ sở, đường phục vụ sản xuất, cơ sở chế biến…). Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo dự án đầu tư được phê duyệt. – Ông Hùng nói.
Trước đó, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 1452/KH-UBND, ngày 9/11/2022 về phát triển sâm Lai Châu, giai đoạn 2022 – 2030 và định hướng đến năm 2045. Với mục tiêu, quy mô vùng nguyên liệu phát triển vùng trồng sâm an toàn tính đến năm 2030, khoảng 3.000ha, đến năm 2045 khoảng 10.000ha và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg, ngày 1/6/2023, phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045, có định hướng diện tích phát triển sâm Lai Châu.
Theo đó, Lai Châu xác định giai đoạn đầu từ nay đến năm 2030 diện tích trồng sâm dưới tán rừng phòng hộ 2.700ha, dưới tán rừng sản xuất 287ha, trên đất nông nghiệp 13ha.
Đến nay, Lai Châu đã đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khoảng 103ha diện tích đất trồng sâm và các loài cây dược liệu khác trên địa bàn các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ và Tam Đường. Cùng với đó, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của huyện Than Uyên và 2 phương án sử dụng đất của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên, huyện Mường Tè. Trình tự thủ tục chuẩn bị quỹ đất cho phát triển sâm Lai Châu dưới tán rừng đã được cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố đang rốt ráo thực hiện để đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 3.000ha và đến năm 2045 là 10.000ha.