(ĐCSVN) – Tổng tỷ suất sinh toàn quốc năm 2023 của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo dẫn đến những hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số…
Các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra các tham vấn chính sách tại Hội thảo tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế do Cục Dân số chủ trì, phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc, được tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội.
Gần 200 đại biểu dự Hội thảo tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế. |
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo (trong khi mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ). Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển; theo vùng kinh tế – xã hội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. |
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về dân số, nâng cao chất lượng dân số, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan “Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số” trình Quốc hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế tập trung thảo luận các nội dung Khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số. Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi để đảm bảo mức sinh thay thế cũng như nâng cao chất lượng dân số của Việt Nam trong thời gian tới như: cần có các chính sách như trợ cấp thai sản, trợ cấp hàng tháng cho bà mẹ nuôi con dưới 3 tuổi; tăng thời gian nghỉ thai sản; mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em; tăng cường hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con nhỏ; hỗ trợ phụ nữ có trình độ học vấn và việc làm; miễn giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em…/.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/muc-sinh-tai-viet-nam-giam-thap-nhat-trong-lich-su-686234.html