LỜI TÒA SOẠN

Tại buổi lễ được tổ chức nhân Ngày Dân số thế giới 11/7, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết mức sinh ở nước ta còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; xu hướng mức sinh thấp; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Cùng với đó, Việt Nam chưa có giải pháp đồng bộ thích ứng với già hóa dân số trong khi già hóa dân số là xu thế tất yếu của các quốc gia.

Điều này đặt ra những thách thức lớn, cần được đánh giá và thay đổi trong chính sách tiếp cận vấn đề, bởi dân số là câu chuyện của tương lai đất nước. Tuyến bài “Thách thức dân số ở Việt Nam” sẽ cung cấp một phần số liệu, thực trạng và nhận định xu hướng về tình hình dân số ở nước ta.

Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện

Theo Bộ Y tế, một trong những thách thức lớn nhất của một số quốc gia là tình trạng già hoá dân số tăng nhanh và mức sinh giảm mạnh. Tỷ suất sinh của phụ nữ châu Á thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Nguyên nhân khiến người trẻ tại nhiều quốc gia châu Á sinh ít con, thậm chí không sinh con, là do họ khó có đủ tiền để nuôi một đứa trẻ.

Con gái lớn đã 8 tuổi nhưng chị Quỳnh (32 tuổi, TPHCM) vẫn chưa có ý định sinh bé thứ 2 dù nhiều lần bị người nhà thúc giục. Cảnh ở nhà thuê, thu nhập bấp bênh suốt gần 1 thập kỷ qua của gia đình khiến chị ám ảnh, không dám sinh thêm vì nỗi lo “không thể lo cho con đầy đủ”.

Theo số liệu mới nhất của Chi cục Dân số TPHCM, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ như chị Quỳnh tại thành phố năng động nhất cả nước này là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42.

Gần 20 năm qua, mức sinh ở TPHCM dao động ở mức 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (2-2,1 con). Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến mức sinh thấp ở đây là trước khi quyết định mang thai, nhiều phụ nữ băn khoăn, lo lắng chuyện có đủ tiền để sinh và nuôi con không? Sinh con rồi ai sẽ chăm để mẹ đi làm?…

Trên bình diện cả nước, Việt Nam đạt và duy trì mức sinh thay thế suốt 15 năm qua (từ năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế (2,09 con). Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam chứng kiến tổng tỷ suất sinh thấp nhất từ khi triển khai chương trình dân số (năm 1960). Mức sinh giảm mạnh, hiện xuống dưới 2 con. 

Theo Tổng cục Thống kê, dân số trung bình năm 2023 của nước ta ước tính đạt 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022. Trong 10 năm 2013-2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người.

Điều này cho thấy mức sinh Việt Nam giảm rõ rệt, đáng chú ý, Bộ Y tế dự báo mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.

Tốc độ tăng dân số bình quân của Việt Nam từ 2017 đến 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Không chỉ giảm mạnh, mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt. Theo Bộ Y tế, khu vực kinh tế, xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trên 2,5 con.

“Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế, xã hội phát triển, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện. Mức sinh đã xuống thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, tập trung ở vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung”, Bộ Y tế nêu trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến. Đáng nói, quy mô dân số của 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp chiếm tới gần 40% tổng dân số cả nước.  

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội… Thậm chí, trong dự báo dân số Việt Nam tới năm 2069, ở kịch bản mức sinh thấp, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ tỷ lệ tăng dân số bình quân ở mức -0,04% vào năm 2059. Trong khi đó, nếu ở phương án mức sinh trung bình, 10 năm sau đó (2069), con số này mới đạt mức 0.

“Xu hướng mức sinh giảm tác động quy mô dân số, tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, trong khi tăng tỷ trọng người già. Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới”, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số Bộ Y tế, cho biết.  

Đề xuất bỏ quy định cặp vợ chồng chỉ “sinh một hoặc hai con”

Pháp lệnh Dân số năm 2008 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được “quyết định thời gian và khoảng cách sinh con” và “Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Căn cứ quy định này, Chính phủ quy định 7 trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết quy định này của Pháp lệnh Dân số không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Dự Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân, cặp vợ chồng. Đây được đánh giá là thay đổi căn bản trong Dự Luật Dân số so với Pháp lệnh Dân số.

Theo đó, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân. Cùng đó, các cặp vợ chồng, cá nhân có nghĩa vụ bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi, dạy con tốt.

Cơ quan soạn thảo cho hay việc trao quyền quyết định số lượng con cái cho các cá nhân, cặp vợ chồng sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cùng đó, khắc phục tình trạng người có điều kiện nuôi dạy con lại đẻ ít, trong khi người ít có điều kiện nuôi dạy con lại đẻ nhiều, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dân số.

“Việc không quy định số con sẽ phù hợp với các cam kết chính trị Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương và tác động tốt với dư luận quốc tế”, báo cáo của Bộ Y tế nêu.

Đặc biệt, nhà nước cần bảo đảm ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho người dân thực hiện chính sách. Các tỉnh, thành phố phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các vợ chồng nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

Trong báo cáo đánh giá tác động của Dự luật Dân số, Bộ Y tế dẫn chứng hàng loạt bài học về chính sách liên quan mức sinh tại một số quốc gia châu Á.

Quốc gia có tỷ suất sinh rất thấp là Nhật Bản đang triển khai các biện pháp chưa từng có nhằm thay đổi xu hướng giảm dân số. Nhật Bản đã thành lập cơ quan trẻ em và gia đình. Nhà chức trách nước này cam kết tăng gấp đôi trợ cấp cho trẻ em. Đây là nỗ lực của Nhật Bản nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình khi sinh con và chăm sóc con nhỏ.

Tại Trung Quốc, lần đầu tiên sau hơn 60 năm, quốc gia với hơn 1,4 tỷ người chứng kiến sự sụt giảm dân số trong năm 2022. Tại đất nước này, chính sách kiểm soát mức sinh được thay đổi vào năm 2016, theo đó mỗi cặp vợ chồng được sinh 2 con, đến tháng 8/2021, Trung Quốc sửa đổi Luật Dân số, theo đó cặp vợ chồng được sinh 3 con. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng phải đang kêu gọi các đảng viên sinh 3 con để làm gương nhằm đóng góp cho tăng trưởng dân số.

Mức sinh ở Singapore bắt đầu giảm dần trong thời gian đầu những năm 1960, đạt dưới mức thay thế vào năm 1975, sau đó tiếp tục giảm xuống mức rất thấp vào đầu những năm 2000 và ở mức rất thấp kể từ đó. Tính đến năm 2011, tổng tỷ suất sinh của Singapore chỉ là 1,2 con/phụ nữ, thấp hơn rất nhiều mức cần thiết để duy trì quy mô dân số và để giữ cân bằng cơ cấu tuổi.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/muc-sinh-viet-nam-giam-ky-luc-lo-ngai-thoi-ky-dan-so-tang-truong-am-den-gan-2300558.html