Ai được hưởng phụ cấp công tác đảng? Mức phụ cấp công tác đảng từ ngày 1/7/2023 có tăng không? Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.
Mức phụ cấp công tác đảng từ ngày 01/7/2023
Theo Hướng dẫn 05-HD/BTCTW ngày 01/7/2011 thì mức phụ cấp công tác đảng bằng 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Trong đó:
– Mức lương hiện hưởng = Hệ số x Mức lương cơ sở
Hệ số được quy định tại phụ lục ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 là 1.800.000 đồng/tháng.
– Phụ cấp chức vụ lãnh đạo: được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2005/TT-BNV với hệ số phụ cấp cũng được ban hành tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo = Hệ số x Mức lương cơ sở
– Phụ cấp thâm niên vượt khung được quy định tại Thông tư 04/2005/TT-BNV. Trong đó, mức hưởng là 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch. Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.
Như vậy, với việc tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên thành 1.800.000 đồng thì mức phụ cấp công tác đảng từ ngày 01/7/2023 sẽ được điều chỉnh tăng theo.
Ai được hưởng phụ cấp công tác đảng?
Theo Hướng dẫn 05-HD/BTCTW thì đối tượng được hưởng phụ cấp công tác đảng bao gồm:
– Cán bộ, công chức, người lao động làm việc ở các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị – xã hội từ Trung ương đến cấp huyện hưởng lương từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm a, khoản 1, Mục I của Hướng dẫn 05-HD/BTCTW. Cụ thể:
I. PHỤ CẤP CÔNG TÁC ĐẢNG, ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI 1- Phạm vi và đối tượng áp dụng a) Phạm vi áp dụng Hướng dẫn này quy định về chế độ phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị – xã hội đối với cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế được giao, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: – Các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng: văn phòng, tổ chức, dân vận, tuyên giáo, đối ngoại và các đảng uỷ trực thuộc từ Trung ương đến cấp huyện. – Các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến cấp huyện. |
– Cán bộ, công chức và người lao động công tác ở ủy ban kiểm tra các cấp chưa được hưởng và không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề và phụ cấp thâm niên nghề.
– Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm (12 tháng) trở lên trong cơ quan của đảng, đoàn thể chính trị – xã hội đã được xếp lương theo các bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Lưu ý: Đối tượng không áp dụng phụ cấp công tác đảng gồm:
– Cán bộ, công chức và người làm chuyên trách công tác đảng, đoàn thể chính trị – xã hội trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, lực lượng vũ trang.
– Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp của Đảng; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của cơ quan đảng, đoàn thể chính trị – xã hội.
– Cán bộ, công chức nghỉ chờ đủ tuổi để nghỉ hưu theo Nghị định 67/2010/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội. (Văn bản này đã bị thay thế bởi Nghị định 26/2015/NĐ-CP)
– Cán bộ, công chức giữ chức vụ bầu cử, bổ nhiệm có lương chức vụ từ 9,70 trở lên hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,20 trở lên.
– Cán bộ, công chức công tác ở cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp đang hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề, hoặc phụ cấp trách nhiệm nghề và phụ cấp thâm niên nghề.
– Người được xếp lương theo cấp hàm cơ yếu.