Sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)
Ngày 14/6, Trung tâm Dữ liệu Nước và Khí hậu Quốc gia Thái Lan (NWCDC) cho biết lượng nước trong các hồ chứa lớn của Thái Lan đang ở mức thấp đáng lo ngại, với chỉ 19% có thể sử dụng được cho sinh hoạt, nông nghiệp và bảo vệ hệ sinh thái.
Báo cáo của NWCDC cho biết tình hình ở miền Tây Thái Lan đáng lo ngại nhất, vì chỉ có 13% lượng nước trong các hồ chứa hiện có thể sử dụng, thấp nhất so với tỷ lệ 34% ở miền Nam, 30% ở miền Đông, 23% ở Đông Bắc, 20% ở miền Bắc và 19% ở miền Trung.
Cũng theo báo cáo, lưu vực sông Chao Phraya cần 12 tỷ m3 nước trong mùa khô và đầu mùa mưa, song hiện tổng lượng nước ở 4 hồ chứa chính của Thái Lan – gồm Bhumibol, Sirikit, Pasak Jolasid và Kwae Noi Bamrung Dan – chỉ cung cấp được 4,551 tỷ m3 nước, nghĩa là còn thiếu 7,449 tỷ m3 nước mà nhà chức trách hy vọng có thể được bù đắp trong thời gian 140 ngày còn lại của mùa mưa năm nay.
Thái Lan chính thức bước vào mùa mưa từ ngày 23/5 nhưng nhiều tỉnh phía Bắc và Đông Bắc nước này vẫn đang phải đối mặt với hạn hán.
Cụ thể, nước ở hồ Kwan Phayao thuộc tỉnh Phayao ở miền Bắc đã giảm xuống mức cực kỳ thấp, hiện chỉ còn 4,5 triệu m3 nước trong hồ, tức chỉ đạt 8,05% dung tích.
Cục Thủy lợi Hoàng gia đã huy động nhân lực và máy móc để nạo vét lòng hồ với hy vọng tăng sức chứa khi có mưa.
Tại tỉnh Udon Thani ở Đông Bắc, các quan chức địa phương được yêu cầu tích nước càng nhiều càng tốt, đề phòng hạn hán và thiếu nước kéo dài.
Theo dự báo của Cục Khí tượng Thái Lan, tổng lượng mưa trên cả nước trong mùa mưa năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, và thấp hơn khoảng 5% so với mức trung bình hằng năm.
Lượng mưa dự báo giảm này có thể dẫn đến các đợt khô hạn kéo dài ở nhiều khu vực, dẫn đến khả năng thiếu nước.
Trong khi đó, hiện tượng khí hậu El Nino, với các biểu hiện như gây thời tiết khô nóng và nhiệt độ cao kéo dài, được dự báo đến tháng 2/2024 mới kết thúc.