Tại buổi gặp gỡ toàn ngành Giáo dục diễn ra sáng nay (15/8), Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ với các nhà giáo. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trước cuộc gặp gỡ đã có trên 6.500 câu hỏi của các nhà giáo gửi đến. Trong đó, có tới 2.000 câu hỏi liên quan đến vấn đề lương, phụ cấp của nhà giáo, mong muốn bộ trưởng quan tâm đến chế độ đãi ngộ với nhà giáo, nhất là giáo viên đang làm việc ở các vùng sâu, vùng xa.
Nhiều ý kiến giáo viên cho biết mức lương thấp, giáo viên không đủ sống bằng nghề nên phải làm thêm việc bên ngoài dẫn tới việc khó toàn tâm toàn ý với nghề.
Nhà giáo cần tự đổi mới, không sợ hãi…
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, cả nước có khoảng 1,6 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, nền tảng để hoàn thành việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Ông khẳng định: “Việc phát triển lực lượng nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta”.
Đồng thời, ông Sơn cho rằng, để thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà giáo cần tự đổi mới bản thân, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. “Sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mà chưa thấy mình khác so với 3-4 năm về trước, chưa phải đổi mới. Nếu nhìn lại mà thấy mình vẫn như xưa, làm sao giáo dục đổi mới?”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Kim Sơn, cần thay đổi vai trò, vị trí cách dạy, hoạt động dạy của giáo viên. Nhà giáo từ chỗ là người truyền thụ kiến thức chuyển sang là người dẫn dắt, tổ chức, hỗ trợ để học sinh hình thành năng lực và tự tích luỹ kiến thức.
Một điểm quan trọng khác là nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. “Trong chương trình trước, chúng ta lệ thuộc quá nhiều sách giáo khoa. Sách giáo khoa là pháp định, là chỗ dựa, dạy và học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì thi đấy. Chúng ta bị khuôn cứng, lệ thuộc ở sách giáo khoa. Nhưng thay đổi lần này, chương trình thống nhất toàn quốc, còn sách giáo khoa là học liệu đặc biệt”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cần sử dụng sách giáo khoa chủ động, không lệ thuộc, có thể dùng nhiều bộ sách giáo khoa, lấy các ngữ liệu, bài tập khác sử dụng linh hoạt. Nếu không thay đổi cách tiếp cận sách giáo khoa, không đạt được điểm đổi mới quan trọng.
Chế độ đãi ngộ với giáo viên mầm non chưa hợp lý
Tại buổi gặp gỡ, khá nhiều ý kiến liên quan tới điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý đối với giáo viên mầm non.
Một cô giáo ở Điện Biên cho hay, giáo viên mầm non ở đây phải làm việc 11 tiếng/ngày, có giáo viên chăm sóc, dạy dỗ 30 trẻ. Nhiều giáo viên phải vượt qua chặng đường xa, nhiều hiểm nguy rình rập để đến điểm trường. Cô mong muốn giáo viên mầm non được quan tâm hơn để bớt vất vả, nguy hiểm.
Một giáo viên mầm non ở Hậu Giang chia sẻ trực tiếp tại cuộc gặp gỡ cũng rằng, trong khi người lao động khác làm việc 8 tiếng/ngày thì giáo viên mầm non thường xuyên làm 10-12 tiếng/ngày.
Môi trường làm việc của giáo viên mầm non nhiều rủi ro vì liên quan tới trẻ nhỏ. Giáo viên vừa phải chăm, vừa phải dạy, đối diện với nhiều vấn đề: trẻ lười ăn, trẻ quấy phá, tự kỷ… nên giáo viên còn phải là chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý can thiệp sớm…
Cô Dương Thị Thanh Hồng (Hà Tĩnh) cho rằng chính sách đãi ngộ với giáo viên mầm non đang còn chênh lệch so với các bậc học khác.
Cô Hồng đưa ra ví dụ: “Về vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với giáo viên mầm non. Theo như quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của giáo viên mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3. Bản thân tôi là một ví dụ, hiện lương tôi là bậc 5 nhưng hệ số lương của tôi là 3,65, còn lương bậc 5 của giáo viên tiểu học hạng 2 lại có hệ số là 5,36.
Như vậy, bậc lương giữa hai cấp học quá chênh lệch. Trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ cao đẳng, đại học. Công việc đặc thù riêng, vất vả trông trưa, ngoài giờ; luôn phải đối mặt với rủi ro về đảm bảo an toàn cho các cháu. Kính mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương giáo viên mầm non được xếp tương quan với giáo viên các cấp học khác”.
So với mặt bằng chung, lương của giáo viên mầm non khá thấp. (Ảnh: Nguyễn Yến) |
Thấu hiểu những vất vả, khó khăn của nhà giáo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thấu hiểu những vất vả, khó khăn của các nhà giáo. Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo thời gian qua cũng là vấn đề được Chính phủ quan tâm và đã có nhiều chính sách cho giáo viên mầm non.
Hiện nay, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.
Theo Bộ trưởng, bước đầu Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bộ trưởng cũng mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học, sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.
Tư lệnh ngành cho hay: “Ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý”.
Thầy cô phải làm gương trên nhiều phương diệnBộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trước khi dẫn dắt, định hướng học sinh tiếp xúc với mạng xã hội, thầy cô phải làm gương trên nhiều phương diện, trong đó, có chuyện ứng xử với thông tin trên mạng xã hội. “Chúng ta đừng quên, ngoài tư cách một công dân, chúng ta còn cả tư cách của một nhà giáo. Chúng ta phát ngôn cần phù hợp tư cách một nhà giáo bình luận các câu chuyện về chính trị, xã hội và chính câu chuyện của chúng ta trên mạng xã hội”, người đứng đầu Bộ GD&ĐT nói. Đồng thời, Bộ trưởng GD&ĐT cũng nhắn nhủ đến các nhà giáo: Thứ nhất, đội ngũ những người làm giáo dục cần kiên định ở con đường và mục tiêu đổi mới và các định hướng mang tính chiến lược của ngành. Thứ hai, cần kiên trì, thuyết phục và vận động phụ huynh cũng như xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành. Thứ ba, cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực, theo đuổi mục tiêu chất lượng với mục tiêu phát triển con người, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thi đua dạy học tốt dẫu khó khăn đến đâu… |