Nguồn gốc, cũng như ai nghĩ ra cách chế biến món này thì chưa thể khẳng định, chỉ biết nó đã có trên bàn tiệc của bà con vùng Mường Tấc (Phù Yên) từ bao lâu rồi. Ban đầu chỉ chế biến đủ ăn trong gia đình, sau do nhu cầu thưởng thức “đặc sản” này bỗng lên ngôi và theo quy luật cung – cầu, món “mực khô phố núi” nay đã hiện diện ở hầu hết các quán xá, nhà hàng ẩm thực ở thành phố Sơn La và nhiều nơi khác.
Cất công tìm hiểu, thấy cách chế biến món này cũng không mấy cầu kỳ. Cứ ra chợ, chọn mua vài kg gân bò, lọc sạch bạc nhạc, luộc khoảng 15 phút, vớt ra rửa sạch, bỏ mỡ và màng bao quanh gân, cắt thành từng khúc, lấy búa đập cho tơi ra, ướp các loại gia vị như lá chanh thái chỉ, xả thái vát, gia vị, mì chính, ớt bột, mắc khén, đường… trộn đều, để ngấm khoảng 30 phút mang ra chiên với dầu là có ngay món ăn đi vào lòng thực khách này.
Món “mực khô phố núi”
Trên bàn tiệc, bên các món ăn giò, chả, nem, măng… có thêm đĩa “mực khô phố núi” thì khỏi phải bàn. Thực khách sẽ được thỏa mãn khi cảm nhận vị ngòn ngọt, dai dai, bùi bùi của gân, cay cay của ớt, mắc khén, thơm nồng của xả và lá chanh chiên giòn…
Món gân bò một thời chỉ để hầm lẫn làm sốt vang, vậy mà nay đã trở thành món đặc sản hình thành tự sự tinh tế trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Sơn La. Không chỉ chế biến để sử dụng, chiêu đãi khách quý, “mực khô phố núi” còn trở thành hàng hóa, hiện diện trên thị trường hầu khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.
MINH THU